Thời gian gần đây cộng đồng mạng ngày càng bị thu hút bởi các giao dịch mua bán lan đột biến tiền tỷ. Kỳ lạ là những giao dịch như vậy lại thường được giao dịch bằng tiền mặt, với ảnh chụp đầy đủ những núi tiền và bên kia là sản phẩm họ mua bán – một chậu lan đột biến. Vậy bản chất thực sự đằng sau các giao dịch lan đột biến này là gì?
Tại sao họ lại kéo truyền thông vào đưa tin?
Nhìn các buổi tổ chức giao dịch mua bán lan đột biến tiền tỷ có thể thấy hai bên thực hiện giao dịch đã thực hiện đầy đủ các mánh khóe giống như những người làm nghề đa cấp. Họ mời nhiều người tham dự sự kiện, mời truyền thông tham gia vào đưa tin đăng lên các trang báo, mạng xã hội.
Hẳn là với những người có nhu cầu chơi lan thực sự và có nhu cầu mua lan về để sử dụng thì chẳng ai bỏ thêm tiền để làm các hoạt động quảng bá truyền thông như thế này. Mục đích thực sự của những buổi giao dịch lan đột biến và đăng tin này phải chăng để kích hoạt lòng tham của những người đứng xem để rồi kéo họ vào một trò chơi Ponzi giống như bong bóng hóa Tulip của thế kỷ 17?
Tính xác thực của giao dịch lan đột biến?
Vô cùng khó để xác minh các giao dịch mua bán lan lên tới hàng chục tỷ này là thật hay giả. Hay là đó chỉ là sự dàn xếp của một nhóm người có chung lợi ích. Mỗi người mang tiền của mình tới tạm góp để làm truyền thông sau đó tiền ai lại trả lại người đó sau khi ra về.
Lý do là với người mua lan để chơi thì họ sẽ không muốn mất tiền để làm thêm các hoạt động quảng bá. Còn với người bán lan, rõ ràng họ cũng chẳng muốn báo chí đưa tin để rồi thuế sẽ càng dễ sờ gáy bắt họ nộp những khoản thuế thu nhập cá nhân có thể lên tới cả tỷ đồng.
Còn nếu là đầu tư thì sao? Rõ ràng những giỏ hoa lan đột biến này không có giá trị đầu tư vì nó không có giá trị sinh lời, trừ khi bạn tìm được người khác mua nó với giá cao hơn. Trong trường hợp này nó là một thứ tài sản đầu cơ hoàn hảo giống y như những bông hoa Tulip ở Hà Lan của thế kỷ 17.
Lan đột biến hiếm nên nó đắt như vậy?
Làm gì có chuyện đó. Mới đây Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&PTNT) chuẩn bị xuất ra thị trường hàng vạn cây lan phi điệp đột biến cấy mô, có đặc tính giống hệt cây mẹ. PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã xác nhận việc nhân giống bằng nuôi cấy mô (Invitro) không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ 1 đoạn cành hoặc 1 mô của của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ.
Thị trường lan đột biến như bong bóng hoa Tulip thế kỷ 17
Có nhiều người mua lan đột biến với kỳ vọng khoản đầu tư này của mình sẽ sinh lời. Và nếu bạn cũng đang có suy nghĩ tìm mua lan với lý do như vậy thì hãy nhớ lại cơn sốt hoa Tulip của thế kỷ thứ 17 ở Hà Lan. Hàng vạn người hoặc hơn thế nữa đã mất hết tài sản chỉ vì chạy theo cơn sốt bong bóng hoa Tulip mà bỏ tiền mua một thứ không có giá trị sử dụng.
Giao dịch mua bán các giỏ lan đột biến quả là không khác gì giao dịch những giỏ hoa Tulip ở thế kỷ thứ 17. Người ta vẫn viện vào các lý do là lan đột biến hiếm nên nó đắt. Ở thế kỷ thứ 17 cũng vậy, những loại hoa Tulip nào càng hiếm thì giá lại càng cao và có những lúc một bông hoa Tulip có giá lên tới cả một gia tài không khác gì những giỏ hoa lan hiện nay.
Lời kết
Với sự vào cuộc của công an một số địa phương, hy vọng những người thổi giá lan với mục đích lôi kéo người khác để đầu cơ trục lợi sẽ bị xử lý. Trong tiếng anh có câu: “Those who cannot remember the past are condemned to repeat it.” và đúng là câu nói này không thể nào đúng hơn trong trường hợp này. Những ai có ý định mua lan đột biến tiền tỷ hãy nhớ về bong bóng hoa Tulip của thể kỷ 17. Nếu bạn có ý định mua lan để đầu cơ thì hãy suy nghĩ lại. Tôi tin chắn rằng nếu bạn đầu tư cổ phiếu thì bạn sẽ có thể kiếm tiền bền vững và an toàn hơn so với đầu cơ hoa lan.