Nội dung bài viết này tôi nói về chủ đề ủy thác đầu tư. Đây là chủ đề được rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm, đặc biệt là với những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm hay thời gian để có thể tự mình đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vậy ủy thác đầu tư là gì và có những hình thức hợp tác đầu tư ủy thác như thế nào?
Ủy thác đầu tư là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì ủy thác đầu tư là việc bạn gửi tiền của mình cho một người/ một tổ chức nào đó đầu tư giúp. Phần lợi nhuận và lỗ (nếu có) sẽ được chia giữa hai bên theo thỏa thuận ban đầu khi hai bên thống nhất hình thức hợp tác ủy thác.
Ví dụ hiện tại tôi đang nhận ủy thác của khá nhiều người thân trong gia đình mình và cả những bạn bè thân thiết để đầu tư cổ phiếu. Họ thấy rằng tôi có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nên ủy thác vốn của mình cho tôi đầu tư tiền của họ vào cổ phiếu với mục tiêu đạt được mức sinh lời về dài hạn cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tôi nhận ủy thác đầu tư cổ phiếu trực tiếp trên tài khoản chứng khoán của khách hàng. Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể truy cập, giám sát quá trình đầu tư và tiền sẽ chỉ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư cổ phiếu trên tài khoản chứng khoán chứ sẽ không thể rút ra để đầu tư vào các mục đích khác. Vì bất kỳ giao dịch rút tiền nào cũng chỉ có thể rút vào tài khoản ngân hàng mà chủ tài khoản chứng khoán đã đăng ký với công ty chứng khoán.
Bạn được lợi gì?
Khi ủy thác cho người khác đầu tư, chắc chắn bạn sẽ băn khoăn là mình được lợi gì? Ủy thác thông thường là một giao dịch đôi bên cùng có lợi. Ngoại trừ các dàn xếp mà trong đó lợi ích hợp tác nghiêng hẳn về một bên mà rủi ro thì bên kia phải chịu. Trong giao dịch ủy thác, bên ủy thác sẽ tận dụng được những kiến thức, kinh nghiệm của bên nhận ủy thác để đầu tư vốn giúp bên ủy thác.
Ví dụ, bạn không có kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể không có thời gian để tự mình đầu tư. Khi đó lựa chọn ủy thác cho một bên có chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư là một lựa chọn khá hợp lý. Dĩ nhiên, bạn sẽ phải xem kỹ các thỏa thuận hợp tác đầu tư xem nó có hợp lý hay không nữa.
Bạn mất gì khi ủy thác đầu tư?
Một dịch vụ ủy thác thông thường sẽ mất phí quản lý, thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận và có thể có thêm các loại phí khác nữa. Khi quản lý và đầu tư vốn của bạn, bên nhận ủy thác sẽ tính các khoản phí quản lý (thường là theo % của tổng vốn đầu tư) và các khoản chia sẻ lợi nhuận, và một số khoản phí khác…Đôi khi, các khoản phí này cộng lại sẽ là một con số rất lớn.
Các khoản phí sẽ là hợp lý nếu khoản đầu tư của bạn sinh lời đạt mức kỳ vọng theo thỏa thuận ban đầu. Nhưng nhiều trường hợp, khoản đầu tư của bạn không sinh lời như kỳ vọng, thậm chí thua lỗ. Khi đó, nếu khoản lỗ bạn phải chịu 100% trong khi phí bạn cũng vẫn mất thì đó là những thỏa thuận không công bằng. Điều này vẫn đang diễn ra và rất phổ biến trên thị trường chứng khoán khi bạn đầu tư vào các quỹ đầu tư ủy thác. Bạn có thể đọc thêm bài viết Tại sao các quỹ đầu tư chủ động thường thua các quỹ ETF để thấy các khoản phí, thuế ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả đầu tư cổ phiếu trong dài hạn.
Mâu thuẫn lợi ích trong rất phổ biến
Thực tế là trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hình thức đầu tư ủy thác đã rất phổ biến đặc biệt là hai hình thức ủy thác đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và ủy thác cho nhân viên môi giới. Tuy nhiên, trước khi quyết định ủy thác thì bạn cần biết rằng mâu thuẫn về lợi ích trong hai hình thức ủy thác này rất phổ biến.
Đầu tư ủy thác vào các quỹ
Ở hình thức ủy thác này, bạn sẽ mua chứng chỉ quỹ do các quỹ đầu tư phát hành. Giá trị mỗi chứng chỉ quỹ được tính theo giá trị thị trường của tổng tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng) mà quỹ đang quản lý chia cho tổng số quỹ đang lưu hành. Các quỹ đầu tư thường có báo cáo giá trị chứng chỉ quỹ theo ngày. Sau khi bạn mua chứng chỉ quỹ thì bạn trở thành một nhà đầu tư vào quỹ.
Công ty quản lý quỹ và các nhà quản lý quỹ sẽ đầu tư tài sản của quỹ vào các loại chứng khoán phổ biến là cổ phiếu và trái phiếu. Hàng năm, sau khi công ty quản lý quỹ thu các loại phí thì phần lợi nhuận/ lỗ sẽ thuộc về nhà đầu tư. Đầu tư vào quỹ bạn sẽ thấy có những điểm bất hợp lý như sau:
1. Công ty quản lý quỹ luôn tính phí quản lý và có thể tính các khoản thưởng khi đầu tư có lãi nhưng sẽ không chịu lỗ cùng nhà đầu tư khi quỹ thua lỗ.
2. Mục tiêu của nhà quản lý quỹ là tăng qui mô quỹ lên càng lớn càng tốt vì qui mô quỹ càng lớn thì phí quản lý và các loại phí khác (như phí mua, bán chứng chỉ quỹ…) thu được càng nhiều và lương thưởng họ càng nhiều. Trong khi đấy, quy mô quỹ càng lớn thì cơ hội đầu tư sinh lời càng giảm và nhà đầu tư phải chịu thiệt khi lãi đầu tư giảm đi. Việc quản lý đầu tư một quỹ với quy mô 100 – 200 tỷ sẽ khác hoàn toàn khi quản lý đầu tư một quỹ 1.000 – 2.000 tỷ ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ủy thác cho môi giới
Tham gia các nhóm chứng khoán trên Facebook, sẽ không khó bắt gặp các nhân viên môi giới khoe lãi. Mà thực chất động cơ của hành động khoe lãi này là để lôi kéo các nhà đầu tư mở tài khoản/ ủy thác cho môi giới đầu tư chứng khoán.
Hành động khoe lãi này thực ra không có gì là xấu cả, nhưng bạn cũng cần lưu ý là một nhân viên môi giới họ thường nhận ủy thác rất nhiều tài khoản khách hàng. Chính vì vậy, việc họ chọn ra những tài khoản lãi để khoe thì rất dễ. Còn những tài khoản thua lỗ thì dĩ nhiên họ sẽ giấu đi.
Vì thế nên bạn mới thấy có những nhân viên môi giới khoe lãi nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau, với danh mục chứng khoán khác nhau mà tài khoản nào cũng lãi đậm. Bản chất đơn giản đó là việc khoe lãi một cách chọn lọc. Còn mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư ủy thác và môi giới cũng khá lớn:
1. Môi giới được hưởng phí hoa hồng trên giao dịch mua/bán chứng khoán của tài khoản nhà đầu tư. Dù nhà đầu tư lãi hay lỗ thì họ đều được hưởng hoa hồng môi giới. Vì vậy, phần lớn môi giới hướng đến giao dịch chứng khoán T+, không nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Chắc chắn hình thức đầu tư này không thể mang lại mức sinh lời tốt hơn thị trường trong dài hạn. Mời bạn đọc thêm bài viết: Cái giá phải trả của những nhà đầu tư năng động là thua xa thị trường chung trong dài hạn.
2. Mục tiêu của môi giới là được càng nhiều người ủy thác càng tốt vì nhiều người ủy thác thì khối lượng giao dịch nhiều thêm và họ sẽ được hưởng thêm nhiều hoa hồng.
Lưu ý gì khi đầu tư ủy thác
Bên cạnh việc chọn đối tác ủy thác có thể tin tưởng, bạn cần nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp tác xem bản chất cuối cùng thì hai bên nhận ủy thác và bên ủy thác có đang cùng hướng tới chung một mục tiêu hay không. Nếu hai bên không ngồi chung một thuyền thì rất khó để bên nhận ủy thác hướng tới mục tiêu mà bên ủy thác mong muốn.
Bạn có thể tham khảo thử Thỏa thuận hợp tác ủy thác mà tôi đang cung cấp Tại đây. Tôi tin rằng đó là một thỏa thuận hợp tình, hợp lý và hướng tới gắn kết lợi ích của bên ủy thác và bên nhận ủy thác đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam.