Với lợi thế độc quyền trong khai thác 22 cảng hàng không (gồm 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa), đặc biệt trong đó có những cảng hàng không quan trọng và lớn nhất của Việt Nam như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh…ACV liên tục là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc qua các năm đi lên cùng nhu cầu tăng trưởng rất nhanh của ngành vận tải hàng không. Vì thế mà cổ phiếu ACV trở thành cổ phiếu được nhiều quỹ lớn và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều quan tâm nên giá cổ phiếu ACV không thể coi là rẻ nữa.
Phân tích cổ phiếu ACV
Cổ phiếu ACV: Lợi thế cạnh tranh rất lớn
Trong khi cổ phiếu các hãng hàng không như cổ phiếu Vietnam Airlines, cổ phiếu VJC có triển vọng khá là tiêu cực trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì triển vọng của dịch vụ cảng hàng không (cổ phiếu ACV) vẫn rất tích cực trong dài hạn.
Lợi thế lớn nhất của ACV chính nằm ở lợi thế cạnh tranh vô cùng bền vững. Phần lớn các tỉnh/thành phố lớn đều đã được đầu tư xây dựng sân bay và đều thuộc sở hữu của ACV. Khả năng xuất hiện thêm các sân bay khác ở các thành phố lớn trong vòng 5-10 năm tới để cạnh tranh với ACV là vô cùng thấp. Đặc biệt gần đây thêm sân bay Long Thành được phê duyệt quy hoạch thì ACV lại tiếp tục được làm chủ đầu tư.
Nhờ lợi thế cạnh tranh độc quyền này mà ACV có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vô cùng cao, ở mức hiếm có doanh nghiệp nào có thể đạt được. Năm 2019, ACV có doanh thu là 18,3 nghìn tỷ với lợi nhuận sau thuế là 8,2 nghìn tỷ đạt tỷ suất lợi nhuân/ doanh thu là 44%.
Lợi thế độc quyền kinh doanh dịch vụ cảng hàng không cho phép ACV tận thu với mức giá dịch vụ mà khách hàng (các hãng hàng không, các công ty kinh doanh dịch vụ kho bãi, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khu vực sân bay…) phải chấp nhận mà không thể đàm phán. Qua đó gián tiếp đẩy giá dịch vụ tiêu dùng trong khu vực cảng hàng không lên cao và hành khách của các hãng hàng không là những người phải chịu các chi phí này.
Đó là lý do vé máy bay bạn mua sẽ phải chịu rất nhiều khoản phí. Bên cạnh đó các dịch vụ trong sân bay như ăn uống, mua sắm luôn có giá cao hơn rất nhiều so với giá bên ngoài sân bay.
Với lợi thế cạnh tranh rất bền vững và khó bị phá vỡ, ACV có thể coi là một doanh nghiệp có “con hào” (moat) rất sâu và rộng bao quanh mình. Đây là những kiểu lợi thế cạnh tranh mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet rất yêu thích lựa chọn.
ACV sở hữu nhiều sân bay và các công ty con với lợi suất sinh lời vượt trội
Một số chi tiêu tài chính của ACV
Các chỉ tiêu tài chính bốn năm gần nhất đều cho thấy hiệu quả kinh doanh của ACV không ngừng tăng lên. Doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng lên trong bối cảnh lượng khách quốc tế tới Việt Nam và cả khách nội địa không ngừng tăng lên qua các năm. Sự ra đời và ngày càng phát triển của hàng không giá rẻ (Vietjet Air) đã giúp mở rộng thị phần và thúc đẩy nhu đi lại đường hàng không và nhờ đó mà ACV liên tục có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Doanh thu và lợi nhuận của ACV qua các năm
Tỷ suất sinh lời cổ phiếu ACV
Tỷ suất sinh lời: Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cũng thực sự vượt trội khiến cổ phiếu ACV trở thành một trong những ngôi sao trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đòn bẩy tài chính: Kinh doanh trong lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, việc ACV sử dụng nợ vay cũng là điều dễ hiểu. Với tỷ lệ Nợ/ Vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 40%, cơ cấu vốn của ACV không khiến nhà đầu tư phải cảm thấy lo lắng.
Tiền và tương đương tiền: Với lượng tiền gửi ngân hàng lên đến 30.000 tỷ (theo BCTC năm 2019), ACV đã chứng minh mình thực sự là một cỗ máy in tiền mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn sở hữu. Lượng tiền và tương đương tiền của ACV chiếm tới trên 50% tổng tài sản của doanh nghiệp, gấp 2 lần nợ vay và bằng khoảng 80% vốn chủ sở hữu.
Mọi chỉ số tài chính đều cho thấy ACV là một doanh nghiệp kinh doanh tuyệt vời, với lợi thế cạnh tranh rất bền vững. Vì vậy mà định giá của cổ phiếu ACV cao cũng là điều dễ hiểu.
Có nên mua cổ phiếu ACV?
Ở mức giá hiện tại, ACV được định giá vào khoảng 120 nghìn tỷ VNĐ. Nếu so sánh vốn hóa này với hiệu quả kinh doanh năm 2019 (là năm kỷ lục từ trước tới nay của ACV) thì một số chỉ tiêu định giá sẽ như sau:
- P/E: 16 lần (Đã điều chỉnh giảm phần trích quỹ khen thưởng phúc lợi)
- P/B: 3.3 lần
Nếu so sánh vốn hóa của ACV với doanh thu thì hiện vốn hóa ACV bằng khoảng 6,5 lần doanh thu năm gần nhất (2019).
Với một doanh nghiệp tuyệt vời, sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá hiện tại để sở hữu cổ phiếu ACV. Tuy nhiên, có một thực tế cũng cần phải nói thêm là hiện tại ACV đã sở hữu hầu hết các cảng hàng không ở Việt Nam nên tiềm năng tăng trưởng sẽ không thể thần tốc được mà phụ thuộc vào nhu cầu vận tải bằng hàng không. Con số tăng trưởng nhu cầu hàng khách, hàng hóa bằng đường hàng không được nhiều dự báo khó mà duy trì mức hai con số (trên 10%) như một vài năm gần đây khi Vietjet Air mới ra nhập thị trường.
Chính vì vậy, dù là một doanh nghiệp tăng trưởng thì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của ACV khá khó đánh giá, đặc biệt là trong ngắn hạn những năm tới khi ảnh hưởng của dịch Covid vẫn rất khó đánh giá, mặc dù về dài hạn thì vẫn rất tích cực.
Với mức định giá hiện tại, là một nhà đầu tư cá nhân tôi cho rằng giá đã phản ánh hết những lợi thế cạnh tranh mà ACV sở hữu và mức giá này không phải là một mức giá hấp dẫn khi trên thị trường chứng khoán vẫn còn những cơ hội khác mà tôi đánh giá là tiềm năng hơn. Vì lý do này, tôi tiếp tục lựa chọn quan sát cổ phiếu ACV trong thời gian tới.