Hoạt động kinh doanh của DPM từng trải qua thời kỳ hoàng kim những năm 2011 – 2013. Tuy nhiên, sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục thì những năm gần đây kết quả kinh doanh ngày càng tệ với lợi nhuận giảm sâu, chạm đáy vào năm 2019. Vậy có nên đầu tư cổ phiếu DPM hay không? Bài viết này phân tích cổ phiếu DPM để giúp bạn có thêm thông tin khi đưa ra quyết định đầu tư.
Nhận định, phân tích cổ phiếu DPM
Phân tích cổ phiếu DPM
Cung dư thừa so với nhu cầu thị trường: DPM hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Là doanh nghiệp đầu ngành, bên cạnh DCM. Hiện nay, riêng công suất sản xuất của DCM và DPM đã chiếm khoảng 80% nhu cầu của thị trường nội địa. Trong khi đó, trên thị trường còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác và cả các nguồn phân bón nhập khẩu. Ngành phân bón hiện tăng trưởng rất chậm và đối mặt với nguy cơ cung dưa thừa quá nhiều so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây chính là vấn đề lớn nhất mà cả ngành phân bón phải đối mặt khiến cạnh tranh ngày càng trở lên gay gắt.
Chi phí sản xuất phụ thuộc rất lớn vào giá khí: Hoạt động sản xuất phân bón của DPM, cũng như DCM phụ thuộc rất lớn vào giá khí nhiên liệu đầu vào. Chi phí mua khí chiếm khoảng gần 50% tổng giá vốn của năm 2019 của DPM. Những thay đổi của giá khí sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Dĩ nhiên, một phần giá khí tăng có thể được phản ánh vào giá bán sản phẩm và chuyển sang cho khách hàng phải chịu. Tuy nhiên, theo quan sát của cá nhân tôi thì khả năng chuyển chi phí sang khách hàng khá là khó khăn trong một ngành đang dư cung.
Kỳ vọng vào luật VAT: Phần lớn các báo cáo phân tích cổ phiếu DPM và cổ phiếu DCM đều kỳ vọng vào việc sửa đổi luật VAT để phân bón được xếp vào nhóm chịu thuế (0% hoặc 5%), khi đó các doanh nghiệp như DPM, DCM sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng vài trăm tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, tôi đánh giá là yếu tố này chỉ hỗ trợ trong ngắn hạn. Trong dài hạn thì với ngành dư cung quá nhiều thì thị trường sẽ cạnh tranh dần khiến giá bán sản phẩm xuống thấp và phần lợi ích từ thuế VAT đầu vào này sẽ chuyển dần sang khách hàng là người được hưởng.
Tình hình tài chính khá tích cực
Có một yếu tố khá hấp dẫn ở những doanh nghiệp phân bón như DCM, DPM đó là các doanh nghiệp này thường duy trì chi trả cổ tức tiền mặt. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thường có dòng tiền dương do chi phí khấu hao hàng năm rất lớn khoảng hơn 500 tỷ/năm ở DPM và gần 900 tỷ/năm với DCM.
Với chi phí khấu hao lớn, dòng tiền tự do từ các công ty phân bón như DPM và DCM luôn khá tốt. Mặc dù hàng năm các doanh nghiệp này vẫn luôn phải đầu tư sửa chữa/ nâng cấp các tài sản cố định nhưng nếu không đầu tư mở rộng hay mua thêm dây chuyền sản xuất thì các chi phí đầu tư mới tài sản cố định sẽ có xu hướng nhỏ hơn khấu hao cho tới khi nhà máy khấu hao gần hết.
Nhược điểm lớn về cơ cấu tài chính ở các cổ phiếu như DPM và DCM là các công ty này luôn giữ một lượng tiền gửi ngân hàng rất lớn song song với vay nợ hàng nghìn tỷ. Như DPM có khoảng 3.500 – 4.000 tỷ tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, khoản tiền gửi ngày mang lại tiền lãi khá thấp, trong khi đó công ty vẫn duy trì khoản vay ngân hàng nên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tình hình tài chính của công ty sẽ tốt lên nếu doanh nghiệp trả hết các khoản nợ vay để giảm chi phí tài chính.
Có nên mua cổ phiếu DPM?
Ở mức thị giá hiện tại, cổ phiếu DPM có tổng giá trị vốn hóa vào khoảng 6.300 tỷ VNĐ. Mức vốn hóa này tương đương với 77% giá trị sổ sách của DPM.
Cổ phiếu DPM được định giá thấp hơn giá trị sổ sách
Tuy nhiên, với triển vọng có phần tiêu cực nhiều hơn là tích cực, lợi nhuận trong những năm tiếp theo của DPM sẽ khó có sự phát triển bứt phá. Dòng tiền tự do thì sẽ tiếp tục dương nhờ chi phí khấu hao lớn và số dư tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Nhà đầu tư mua cổ phiếu DPM ở mức giá hiện tại có nguy cơ lỗ không lớn vì ngay cả khi DPM làm ăn không có lãi trong những năm tới thì các tài sản cố định dài hạn cũng sẽ dẫn chuyển sang thành tiền. Tuy nhiên, mặt tích cực thì cũng không có nhiều điểm để kỳ vọng. Chính vì lý do này, tôi lựa chọn không mua cổ phiếu DPM mà sẽ tìm kiếm những cơ hội tiềm năng hơn.