Với quy mô lên tới 172ha, rõ ràng là không thể phủ nhận tiềm năng rất lớn của dự án Cát Bà Amatina của VCR. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mua cổ phiếu VCR lúc này liệu có đang quá tham lam mà quên đi những vấn đề rất lớn cần được giải quyết phía sau hay không? Mời bạn đọc bài viết phân tích cổ phiếu VCR này nhé!
Phân tích cổ phiếu VCR: Tiềm năng tỷ đô hay bánh vẽ?
Sau các động thái thoái vốn của Eximbank và chứng khoán Agribank, dự án Cát Bà Amatina giờ hoàn toàn được quyết định bởi Vinaconex. Không giống như dự án Splendora với quá nhiều bất động giữa hai bên liên doanh mà cuối cùng Vinaconex phải rút vốn, ở Cát Bà Amatina Vinaconex thì làm thế nào cũng được. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu VCR sẽ ngồi chung thuyền với chủ tịch Đào Ngọc Thanh của Vinaconex và các cổ đông khác của Vinaconex.
Quy mô Cát Bà Amatina lớn mức nào?
Với vốn chủ sở hữu hiện có và cả vay nợ hơn 300 tỷ, tổng tài sản của VCR lúc này vào khoảng 900 tỷ. Con số này thực sự là “muối bỏ bể” so với số vốn yêu cầu của dự án Cát Bà Amatina. Theo tập đoàn Vinaconex thì dự kiến vốn đầu tư vào Cát Bà Amatina sẽ cần khoảng 1 tỷ đô, tức là khoảng 23.000 tỷ VNĐ. Dĩ nhiên số vốn 1 tỷ đô này không phải cần có ngay lập tức mà dự án có thể được chia thành từng giai đoạn.
Lấy ví dụ như dự án Grand World Phú Quốc mà Vingroup đang triển khai chẳng hạn. Với quy mô khoảng 85 ha, bằng 1/2 diện tích dự án Cát Bà Amatina thì để có thể triển khai Vingroup đã phải đầu tư vốn chủ sở hữu 1.500 tỷ và huy động trái phiếu thêm 1.500 tỷ, đảm bảo bằng cổ phiếu Vingroup. Ở dự án Cát Bà Amatina, vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn 160 tỷ VNĐ. Năm 2019, VCR đã phát hành hơn 300 tỷ trái phiếu cho Vinaconex để lấy tiền thanh toán tiền sử dụng đất và tiền phạt chậm nộp. Hiện tại, VCR gần như không còn tiền để triển khai dự án nữa.
Lấy tiền ở đâu để làm dự án?
Để triển khai dự án Cát Bà Amatina, tôi nghĩ rằng VCR sẽ cần thêm khoảng 2.000 – 5.000 tỷ VNĐ, dù dự án được chia nhỏ thành nhiều giai đoạn. Con số khoảng 2.000 tỷ này chắc chắn sẽ không dễ dàng có thể huy động dù dưới bất kỳ hình thức nào. Việc tăng vốn chắc chắn là rất khó khăn vì Vinaconex sẽ không thể thu xếp được khoảng hơn 1.000 tỷ để góp vốn vào VCR lúc này vì VGC (Vinaconex) đã vay nợ rất nhiều, và liên tục âm dòng tiền kinh doanh.
Đặc biệt là kể từ khi An Quý Hưng trở thành cổ đông lớn, đã có những nghi ngờ và câu hỏi không được trả lời trong Đại hội cổ đông là dòng tiền âm là tại sao? Có những cổ đông nghi ngờ liệu dòng tiền từ VGC có bị chuyển về An Quý Hưng hay không, đặc biệt là sau khi An Quý Hưng chi tới 7.400 tỷ để mua 57,71% cổ phần của Vinaconex từ SCIC năm 2018.
Rõ ràng cửa tăng vốn cho VCR hiện rất hẹp. Và bên cạnh đó, cửa vay ngân hàng chắc chắn cũng không hề dễ dàng vì VCR cũng không có nhiều tài sản để mang ra làm tài sản đảm bảo. Đảm bảo bằng quyền sử dụng đất của dự án Cát Bà Amatina chắc chắn không đủ để giúp VCR có thể vay nghìn tỷ. Hay lấy cổ phiếu VCG ra để đảm bảo cho việc vay vốn của VCR có thể được Vinaconex cân nhắc nhưng chủ trương này (nếu có) sẽ cần được Đại hội cổ đông của Vinaconex thông qua.
Bức tranh u ám của bất động sản nghĩ dưỡng
Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, bức tranh bất động sản nghĩ dưỡng ở Việt Nam đang thực sự rất u ám. Từ vụ phá thỏa thuận của Cocobay đến FLC Hạ Long…cho thấy một thực tế là kinh doanh bất động sản du lịch không hề dễ dàng. Các nhà đầu tư cũng trở nên dè chừng hơn và không còn tham miếng mồi cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư nữa. Trong bối cảnh đó, các dự án mới mở bán đang gặp vô vàn khó khăn. Như dự án Grand World Phú Quốc của Vingroup chỉ trong nửa đầu năm 2020 đã lỗ 779 tỷ VNĐ, mất 1/2 vốn chủ sở hữu.
Trước bối cảnh dịch covid còn có thể kéo dài, nhà đầu tư mua cổ phiếu VCR lúc này tôi cho rằng đang quá tham lam và nhìn triển vọng tương lai dưới con mắt quá là màu hồng. Tôi thì sẽ lựa chọn tiếp tục quan sát để xem những nhà đầu tư đu đỉnh cổ phiếu VCR vào lúc này sẽ ra sao trong khoảng thời gian 2-3 năm tới. Tôi không có khả năng kết luận về triển vọng của VCR nhưng tôi biết rằng khi các nhà đầu tư khác tham lam thì mình nên sợ hãi.