Những mâu thuẫn về lợi ích giữa ban lãnh đạo và cổ đông luôn tồn tại trên thị trường chứng khoán. Trong nhiều trường hợp, ban lãnh đạo dùng công cụ mua cổ phiếu quỹ để phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về các khía cạnh quan trọng liên quan tới chủ trương mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.
Cổ phiếu quỹ là gì?
Một công ty cổ phần có thể dùng tiền của mình để mua lại cổ phiếu từ một hoặc nhiều cổ đông. Các cổ phần đã được công ty mua lại được gọi là cổ phiếu quỹ. Sau khi công ty mua lại cổ phiếu thì số lượng cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.
Ai có quyền quyết định mua lại cổ phiếu đang lưu hành?
Theo quy định của Luật chứng khoán thì việc quyết định mua lại cổ phần có thể do Hội Đồng Quản Trị hoặc Đại hội cổ đông quyết định:
+ Nếu mua lại trên 10% cổ phần đang lưu hành: Cần Đại hội cổ đông thông qua
+ Nếu mua lại dướu 10% cổ phần đang lưu hành: Chỉ cần HĐQT thông qua, và đây chính là cách mà nhiều ban lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng để tư lợi cá nhân.
Ngoài ra, luật cũng quy định nếu doanh nghiệp mua từ 25% cổ phiếu đang lưu hành thì phải chào mua công khai. Vì phải chào mua công khai nên hiếm có doanh nghiệp nào mua lên tới 25% cổ phần đang lưu hành.
Khi nào nên mua?
Về lý thuyết thì công ty chỉ nên mua cổ phiếu quỹ khi thị giá của cổ phiếu thấp hơn giá trị hợp lý của mỗi cổ phần. Giá trị hợp lý này trong phần lớn trường hợp sẽ không phải là giá trị sổ sách mà là một giá trị khác, được ước tính dựa trên triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Sau khi mua cổ phiếu quỹ, với cùng một số lượng cổ phiếu nắm giữ, tỷ lệ % sở hữu của nhà đầu tư sẽ tăng lên. Ví dụ với một doanh nghiệp có 20 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nếu doanh nghiệp mua lại 10% cổ phiếu đang lưu hành thì số cổ phiếu lưu hành sau mua lại sẽ là 18 triệu. Một nhà đầu tư sở hữu 2 triệu cổ phiếu sẽ sở hữu 10% công ty trước khi mua lại và tăng lên thành 2/18 = 11,1% công ty sau khi mua lại cổ phiếu.
Minh họa trường hợp đơn giản nhất là doanh nghiệp có 20 triệu cổ phiếu lưu hành và giá trị hợp lý của doanh nghiệp là 200 tỷ chẳng hạn. Nhưng thị giá cổ phiếu chỉ là 5.000đ, thấp hơn giá trị hợp lý là 10.000đ. Khi đó, doanh nghiệp có thể bỏ ra 10 tỷ để mua lại 2 triệu cổ phiếu quỹ. Sau mua lại, giá trị doanh nghiệp giảm đi còn 190 tỷ, lúc đó giá trị hợp lý của mỗi cổ phần tăng lên thành 190 tỷ/ 18 triệu = 10.556đ.
Như vậy, khi mua cổ phiếu quỹ ở mức thị giá thấp hơn giá trị hợp lý thì các cổ đông (không bán cổ phiếu) là những người sẽ được lợi vì sau mua lại, giá trị mỗi cổ phần sẽ tăng lên.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp mua vào cổ phiếu ở mức giá cao hơn giá trị hợp lý thì những cổ đông bán cổ phần là người hưởng lợi còn các cổ đông ở lại là những người chịu thiệt.
Tác động như thế nào tới giá cổ phiếu?
Các công ty thường công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ với mục đích giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cho cổ đông. Nhưng thực tế thì nhiều khi khác xa so với công bố mang tính hình thức này. Nhiều doanh nghiệp mua lại cổ phiếu để phục vụ cho lợi ích của ban lãnh đạo và sau mua giá cổ phiếu còn có thể giảm rất nhiều so với trước khi mua.
Những trường hợp mua cổ phiếu quỹ không vì cổ đông
Mục đích công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu thì luôn là để gia tăng giá trị cho cổ đông nhưng thực tế thì không phải như vậy. Những hành động của ban lãnh đạo mới cho thấy mục đích thực của họ đằng sau của họ.
DQC mua cổ phiếu để bà Hồ Thị Kim Thoa thoái vốn?
Cuối năm 2018, DQC ra nghị quyết mua 3,7 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Nghị quyết này được công bố gần thời điểm với công bố giao dịch bán cổ phiếu của cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Bà Hồ Thị Kim Thoa liên tục bán ra tổng cộng hơn 3 triệu cổ phiếu trong Tháng 11/2018. Điều này thực sự làm dấy lên câu hỏi là có phải DQC dùng tiền để mua cổ phiếu của bà Hồ Thị Kim Thoa hay không?
Từ thời điểm DQC mua vào cổ phiếu tới nay, giá cổ phiếu DQC đã mất tiếp gần 50% giá trị nhưng không thấy DQC có thêm động thái mua cổ phiếu quỹ nữa. Bà Hồ Thị Kim Thoa thì cũng đã bỏ trốn cùng núi tiền thu được từ thoái vốn và cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
VPB mua cổ phiếu quỹ để chia ESOP
VPBank là một ngân hàng thường xuyên mua cổ phiếu quỹ sau đó mang cổ phiếu này phát hành theo chương trình ESOP. Thực tế cho thấy sau khi mua vào cổ phiếu giá cao, VPBank thường xuyên bán lại các cổ phiếu quỹ này cho người lao động giá thấp thông qua chính sách ESOP. Rõ ràng hành động này khiến các cổ đông chịu thiệt hại không nhỏ.
Nói chung là trường hợp của VPBank phát hành cổ phần ESOP vô tội vạ có rất nhiều điểm để bàn. Bạn có thể đọc thêm về cổ phần ESOP và điểm danh các doanh nghiệp phát hành nhiều ESOP gây thiệt hại cho cổ đông tại bài viết: Những công ty phát hành nhiều cổ phiếu ESOP nhất trên thị trường chứng khoán!
Vinaconex mua cổ phiếu quỹ để rút ruột?
Tháng 11/2020, VCG công bố nghị quyết HĐQT về việc mua tối đa 10% cổ phiếu đang lưu hành (44 triệu) để làm cổ phiếu quỹ. Điều đáng nói là giá cổ phiếu VCG thời điểm này đang nằm ở mức giá cao nhất mọi thời đại.
Việc mua vào cổ phiếu đang lưu hành ở mức giá cao nhất mọi thời đại thì liệu có vì để gia tăng lợi ích của cổ đông hay chỉ là để phục vụ lợi ích cụ thể nào đó của cổ đông lớn? Tôi xin dành câu trả lời cho các nhà đầu tư thông thái. Năm 2018, nhóm cổ đông An Quý Hưng chi ra hơn 7.400 tỷ để mua cổ phần VCG và chủ yếu là dùng nguồn vốn đi vay. Chính vì vậy mà tôi thực sự băn khoăn không biết có phải VCG đang bị rút ruột hay không?
Hãy chờ đợi và để thời gian trả lời. Cứ xem sau này ai là người bán cổ phiếu quỹ lại cho VCG ở mức giá đang cao nhất mọi thời đại thì sẽ rõ.
Lời kết: Trên đây chỉ là một số ví dụ về việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ với nhiều vấn đề bất thường. Trên thị trường chứng khoán còn có nhiều trường hợp khác nữa cũng rõ ràng mua lại cổ phiếu giá cao và không hề vì lợi ích của cổ đông. Cứ quan sát đủ kỹ bạn sẽ thấy đủ nhiều vấn đề liên quan.