Nhìn lại giai đoạn 5 năm vừa qua từ 2015 – 2020 thì xu hướng giá cổ phiếu DLG đã phản ánh kết quả kinh doanh tệ hại của DLG trong cùng giai đoạn. Trong con sóng cổ phiếu 2020 – 2021 này, nhiều nhà đầu tư quay trở lại tìm hiểu cổ phiếu DLG đặt ra câu hỏi là có nên mua cổ phiếu DLG hay không, có nên đầu tư cổ phiếu DLG không? Những phân tích mã cổ phiếu DLG ở đây hẳn sẽ phần nào giúp bạn có thêm những thông tin đáng cân nhắc.
Tập đoàn DLG là tập đoàn đa ngành
DLG là một tập đoàn hoạt động rất đa ngành. Theo giới thiệu của Tập đoàn trên Website thì Tập đoàn Đức Long Gia Lai có cấu trúc gồm 30 công ty con và 4 công ty liên kết. Trên các báo cáo tài chính thì số lượng công ty con được hợp nhất không nhiều tới mức này. Như vậy không loại trừ khả năng là có các công ty cháu không được trình bày trên các báo cáo tài chính nhưng vẫn đã được hợp nhất thông qua các công ty con.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020 của DLG thì doanh thu chính của DLG hiện đến từ các lĩnh vực chính gồm: Doanh thu bán linh kiện điện tử, Doanh thu phí BOT, Doanh thu bán đá, Doanh thu kinh doanh phân bón. Trong các hoạt động kinh doanh chính của DLG thì chỉ có hoạt động thu phí BOT có lợi nhuận gộp đáng kể (trên 50%), và hoạt động kinh doanh các sản phẩm linh kiện điện tử với lợi nhuận gộp trên 10%. Các hoạt động kinh doanh khác có lợi nhuận gộp khá tệ, thậm chí thua lỗ.
Gánh nặng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay
Năm 2020 là năm mà Tập đoàn DLG liên tục có các quý có kết quả kinh doanh kém hiệu quả khi mà doanh thu giảm sâu so với 2019, trong khi đó chi phí lãi vay và chi phí quản lý tiếp tục là gánh nặng khiến DLG liên tục thua lỗ nặng trong các quý của năm 2020.
Đặc biệt, việc phân tích cổ phiếu DLG cho thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính rất nhiều. Tính đến Quí 2/2020, nợ vay của DLG lên tới 3,7 nghìn tỷ. Số nợ vay này hiện đã lớn hơn vốn chủ sở hữu của DLG. Con số nợ vay này chắc chắn sẽ là gánh nặng tiếp tục bào mòn lợi nhuận/ gây ra các khoản lỗ lớn của DLG trong những năm tiếp theo.
Quản trị kém hiệu quả ở cổ phiếu DLG
Việc quản trị kém hiệu quả của DLG thể hiện ở số dự phòng phải thu khó đòi ngày càng tăng cao. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng vậy. Chỉ tính riêng hai khoản mục này, đến nay DLG đã trích lập dự phòng khoảng 360 tỷ, một con số không nhỏ khi so sánh với vốn chủ sở hữu vào khoảng hơn 3.100 tỷ.
Điều tiếp theo về mặt quản trị mà các nhà đầu tư cần chú ý, đó là số dư các khoản phải thu khác, phải thu cho vay ngắn hạn, dài hạn. Số dư khoản phải thu về cho vay ngắn hạn mặc dù đã giảm trong năm 2020 nhưng đến 30/6 vẫn còn hơn 678 tỷ và số dư phải thu ngắn hạn khác 789 tỷ. Tổng hai khoản mục này lên tới 1.487 tỷ chiếm gần 50% vốn chủ sở hữu của DLG.
Có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra với các khoản mục này. Thứ nhất là các khoản mục này phục vụ cho các mục đích gì, liệu có phục vụ mục đích kinh doanh để sinh lời cho cổ đông hay không? Trong khi các khoản mục này không mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng qua các năm thì doanh nghiệp vẫn phải đi vay nợ ngân hàng rất nhiều và trả lãi hàng năm.
Thông thường, những cá nhân/ tổ chức có khả năng vay tiền của doanh nghiệp thường là những bên liên quan tới ban lãnh đạo. Khi đó, bạn hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi là những khoản phải thu đó đang phục vụ lợi ích của ban lãnh đạo hay các cổ đông và rủi ro với cổ đông là như thế nào. Những tài sản được chuyển ra khỏi doanh nghiệp theo cách này cũng đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức của ban lãnh đạo.
Đánh giá cổ phiếu DLG
Với mức vốn hóa hiện tại vào khoảng 600 tỷ, nhiều nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một mức giá chiết khấu sâu so với giá trị sổ sách. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng có thể kỳ vọng vào các dự án bất động sản của DLG trong tương lai. Tôi thì không bỏ thời gian tìm hiểu kỹ hơn về các dự án bất động sản vì với tôi kết quả phân tích cổ phiếu DLG như thế đã quá phức tạp rồi.
Tôi cho rằng nhà đầu tư mua cổ phiếu DLG có thể sẽ tiếp tục nhiều năm nhìn thấy tài sản mình đầu tư không thể sinh lời khi mà các hoạt động kinh doanh vẫn dàn trải, tài sản của doanh nghiệp bị điều chuyển đi phục vụ các mục đích khác không rõ ràng và gánh nặng nợ vay là quá lớn. Có nên đầu tư cổ phiếu DLG hay không, tôi xin dành câu trả lời lại cho các nhà đầu tư tự đưa ra quyết định của mình. DLG có quá nhiều hoạt động kinh doanh phức tạp và không hiệu quả. Tôi thà đầu tư vào các quỹ ETF còn hơn là mua cổ phiếu DLG.
Tôi vẫn nhớ câu nói mà ngài Buffett chia sẻ với các cổ đông đại loại là: Trong 50 năm sự nghiệp, ông và ngài Charlie vẫn không thể giải các bài toán kinh doanh phức tạp. Điều ông học được là nên tránh chúng thì hơn. (“Charlie and I have not learned how to solve difficult business problems. What we have learned is to avoid them”).