Trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần xác định rõ bản thân mình tham gia thị trường là một Trader (nhà giao dịch) hay là một Investor (nhà đầu tư). Lý do là Trader hay Investor là những người có cái nhìn khác nhau về thị trường. Một khi bạn không xác định rõ mình tham gia thị trường với mục tiêu là gì thì dễ có những hành động sai lầm dẫn tới thua lỗ. Vậy Trader là gì? Công việc của họ là gì và cách họ kiếm tiền như thế nào? Mời bạn đọc nội dung bài viết hôm nay.
Trader là gì?
Trader là một thuật ngữ tiếng anh được sử dụng khá rộng rãi vì nó ngắn gọn, đơn giản và bao hàm ý nghĩa của một người/ một nghề kiếm tiền trên thị trường tài chính. Nếu dịch sang tiếng Việt thì Trader có thể gọi là “Nhà giao dịch”, “Người giao dịch”. Đây là những người tham gia thị trường tài chính (chứng khoán, hàng hóa, tiền ảo, ngoại hối, vàng…) với mục đích mua bán kiếm lời từ chênh lệch giá. Bản chất là tìm cách mua thấp và bán cao để tạo ra lợi nhuận cho bản thân.
Công việc hàng ngày của Trader là gì?
Là một trader thì công việc chính hàng ngày của họ là thực hiện các giao dịch mua/ bán. Tùy vào kiến thức, kinh nghiệm, khả năng mà mỗi trader thường kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể mà họ tin rằng mình có lợi thế. Công việc họ làm hàng ngày khi thực hiện mua/bán được gọi là Trading.
Trading là gì?
Trading là công việc thường xuyên của một trader. Đó là quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện việc mua/bán (chứng khoán, hàng hóa, tiền ảo, ngoại tệ, vàng bạc…) với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Điều kiện để trở thành Trader là gì?
Thị trường tài chính toàn cầu vô cùng rộng lớn và đa dạng. Công việc trader lại là một công việc tự do, bạn không nhất thiết phải làm việc cho bất kỳ tổ chức nào. Chính vì vậy, ai cũng có thể trở thành trader. Quan trọng nhất là cần có một thiết bị máy tính/ điện thoại có kết nối internet và cần có vốn. Khi đó, bất kỳ ai cũng có thể trở thành trader.
Tuy nhiên, để kiếm lợi nhuận từ hoạt động trading thì không phải là một công việc đơn giản. Không có nhiều người có thể sống dựa vào nghề trading. Vì vậy, nếu bạn có mong muốn trở thành trader thì chắc chắn phải chuẩn bị tâm lý để dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi mới mong có thể kiếm được lợi nhuận từ thị trường.
Những thị trường nào tiềm năng cho Trader?
Là một trader, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn về thị trường để tham gia. Với tư duy của một trader thì ở đâu có sự biến động về giá cả thì ở đó sẽ có cơ hội để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, khi kết hợp tư duy của một trader với tư duy của một nhà đầu tư thì trader sẽ có những lựa chọn sau về thị trường giao dịch với rủi ro giảm dần.
Thị trường chứng khoán: Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, bạn có thể giao dịch mua bán cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng phái sinh…Biến động giá chứng khoán chính là cơ hội cho các trader kiếm tiền. Ưu điểm của thị trường chứng khoán là trader có thể thực hiện những giao dịch với tài sản thực (cổ phiếu/ trái phiếu của doanh nghiệp), và đây là những tài sản sinh lời.
Thị trường vàng: Ngoại trừ các chỉ số phái sinh theo giá vàng (giao dịch ở các website quốc tế), giao dịch vàng thường không phải là một kênh ưa thích của các trader. Lý do là biến động giá vàng trong nước (theo tỷ lệ %) hàng ngày thường không lớn. Bên cạnh đó, việc giao dịch vàng miếng thay vì vàng phái sinh (vàng trên tài khoản) thường phát sinh nhiều loại chi phí giao dịch như chi phí đi lại, chi phí bảo quản vàng…
Thực tế, các trader giao dịch trên thị trường vàng thường giao dịch vàng phái sinh, vàng trạng thái trên các website của nước ngoài (vì ở Việt Nam không có sàn vàng phái sinh nào được cấp phép). Trong số các sàn vàng phái sinh được quảng cáo (chui) ở Việt Nam thì có rất nhiều sàn lập ra chỉ với mục đích lừa đảo.
Thị trường ngoại hối/ Forex: Giống như vàng, các trader kiếm tiền từ thị trường ngoại hối thường giao dịch các sản phẩm phái sinh của ngoại tệ chứ không thực sự giao dịch mua bán các đồng ngoại tệ. Tại Việt Nam cũng chưa có sàn Forex/ ngoại hối nào được cấp phép. Trong khi đó nhiều website quảng cáo, mời gọi giao dịch Forex có mục đích lừa đảo, nộp tiền vào rồi không thể nào rút được ra. Bạn hãy thật cẩn thận nếu có ý định giao dịch ở các sàn giao dịch ngoại hối, forex.
Thị trường Crypto: Với thị trường tiền ảo thì các trader có thể dễ dàng lựa chọn giao dịch ở các sàn tiền số uy tín, nổi tiếng trên thế giới như Binance, Coinbase…Tuy nhiên, tiền ảo là một loại tài sản rất khó để đánh giá giá trị. Có thể với các trader thì điều này cũng không quá quan trọng nhưng bạn vẫn nên tránh giao dịch những loại coin rác là những đồng có rủi ro mất giá trị nhanh và cả rủi ro lừa đảo nữa.
Những rủi ro của nghề Trader?
Không giống những bài viết trên báo nói về những tiềm năng kiếm tiền từ công việc trading, tôi thích nói về những rủi ro để cảnh báo mọi người hơn. Với bản thân tôi đánh giá thì nghề trader là một nghề rất nguy hiểm và rất dễ khiến bạn mất tiền bởi những lý do sau đây.
Nghề trader đứng trước nhiều cạm bẫy lừa đảo
Theo tôi quan sát nhiều năm nay trên thị trường thì các hình thức lừa đảo đầu tư đang diễn ra rất phổ biến. Số sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, forex (website) được lập ra với mục đích chỉ để lừa đảo chiếm đa số khi so với số lượng các sàn giao dịch uy tín.
Một lúc nào đó, có thể bạn sẽ nhận được những lời mời mọc đầu tư hấp dẫn như tỷ lệ sinh lời cao (trong mơ), bảo hiểm an toàn vốn…Khi tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế/ giao dịch ngoại hối. Rất nhiều Trader vì nghe những lời mời mọc và cả tin mà đã dính vào bẫy và bị lừa đảo mất hết tài sản. Những sản giao dịch lừa đảo này có đặc điểm chung là chỉ có thể nạp tiền vào và gần như không thể rút tiền ra được. Vì vậy, khi trở thành một trader bạn cần phải thận trọng để tránh bị mất hết tiền do lừa đảo.
Đòn bẩy tài chính vô cùng nguy hiểm
Trong công việc trading, nhiều người yêu thích sử dụng đòn bẩy (vay tiền của sàn/ công ty chứng khoán) để trading. Việc sử dụng đòn bẩy có hai mặt, có thể giúp bạn kiếm tiền nhanh và cũng có thể khiến bạn mất hết vốn liếng. Phải nói là đòn bẩy tài chính trong trading là vô cùng nguy hiểm. Bạn đừng bao giờ sử dụng nó nếu chưa tìm hiểu kỹ và hiểu về đòn bẩy.
Phí giao dịch sẽ ăn mòn lợi nhuận của trader
Dù giao dịch mua bán gì đi chăng nữa thì bạn hãy luôn quan tâm tới phí giao dịch. Phí giao dịch tích lũy theo thời gian hành nghề trader của bạn sẽ luôn là một con số vô cùng lớn. Và trong nhiều trường hợp phí và thuế giao dịch đến một ngày nào đó ăn hết cả lợi nhuận của công việc trading và khiến bạn chẳng kiếm được gì từ thị trường dù đã bỏ bao công sức làm việc vất vả.
Nghề trader không dành cho tất cả mọi người
Hãy dành thời gian và một phần nhỏ tài sản tham gia thử nghiệm nếu bạn muốn trải nghiệm công việc của một trader. Nghề này không phải là một nghề đơn giản để kiếm tiền và nhiều người chỉ nhận ra điều này sau khi đã trắng tay. Chính vì vậy, lời khuyên của tôi là bạn có thể tham gia với một số vốn nhỏ và đừng mạo hiểm tăng vốn đầu tư khi chưa có đủ thời gian trải nghiệm công việc và những rủi ro của nghề trader. Hãy thật thận trọng và khi thật sự thấy rằng trader là nghề phù hợp với bản thân thì mới tham gia với quy mô vốn lớn hơn.!