Kể từ thời điểm đầu năm 2022 tới nay, thị trường chứng khoán đã liên tục đi xuống. Các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ đã có mức giảm sâu như Dow Jones giảm 17%, S&P 500 giảm 21%, và thậm chí chỉ số NASDAQ đã giảm tới 33% tính từ đỉnh thiết lập hồi cuối năm 2021. Vậy điều gì đã khiến cho thị trường chứng khoán giảm sâu đến như vậy? Ảnh hưởng của lạm phát và giá cổ phiếu có mối quan hệ như thế nào? Mời bạn đọc chi tiết dưới đây!
Lạm phát ở Mỹ cao kỷ lục và giá cổ phiếu giảm sâu
Trước khi nói đến ảnh hưởng của lạm phát lên chứng khoán, chúng ta hãy cùng xem qua tỷ lệ lạm phát của Mỹ thời gian gần đây. Tính đến Tháng 5/2022 thì lạm phát ở Mỹ đã leo lên mức kỷ lục của hơn 40 năm. Lạm phát tính theo năm (Annual inflation) tính đến Tháng 5/2022 đã chạm mốc kỷ lục 8,6%/năm.
Đây là mức lạm phát cao nhất xảy ra ở Mỹ tính từ thời điểm những năm thập niên 1980. Vì vậy mà nhiều người dân Mỹ thực sự là chưa bao giờ sống trong một giai đoạn có lạm phát tăng cao như vậy. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát bao gồm chính sách nới lỏng tiền tệ của FED trong 2 năm Covid, bên cạnh đó là việc giá xăng dầu tăng lên mức kỷ lục gây áp lực lên nhiều loại hàng hóa khác nhau và dẫn tới lạm phát.
Mối quan hệ lạm phát và giá cổ phiếu
Với việc lạm phát liên tục tăng lên, chứng khoán thế giới đã đồng loạt đi xuống. Thị trường tiền ảo cũng không nằm ngoài và liên tục rớt giá sâu trong năm 2022. Ở Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng đã giảm ~20% từ mức đỉnh do ảnh hưởng chung từ thị trường thế giới và các áp lực lạm phát. Vậy lạm phát có tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu hay không?
Theo quan điểm cá nhân của tôi thì lạm phát không phải là yếu tố tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu. Nhưng lạm phát và giá cổ phiếu có mối liên hệ gián tiếp. Thực tế thì chúng ta có thể thấy là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến giá cổ phiếu giảm là do lãi suất cơ bản mà FED liên tục điều chỉnh tăng trong thời gian qua.
Lý do FED phải tăng lãi suất là để cố gắng kiềm chế lạm phát. Từ đầu năm 2022 tới nay, FED đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản và nhiều khả năng FED sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất nhiều lần nữa. Những lần điều chỉnh lãi suất gần nhất sẽ là các kỳ họp trong Tháng 6, Tháng 7 và Tháng 9/2022.
Như chúng ta đều biết, lãi suất có tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu vì gửi tiết kiệm là một kênh đầu tư thay thế khá hấp dẫn so với cổ phiếu khi lãi suất được điều chỉnh tăng lên. Bên cạnh đó, lãi suất là cơ sở để chiết khấu dòng tiền trong định giá cổ phiếu. Vì vậy, khi lãi suất tăng lên thì giá các cổ phiếu định giá theo phương pháp chiếu khấu dòng tiền sẽ giảm đi. Đó là lý do lãi suất và giá cổ phiếu có mối quan hệ tỷ lệ nghịch. Khi lãi suất giảm thì giá cổ phiếu tăng, khi lãi suất tăng thì giá cổ phiếu giảm.
Tại sao lãi suất chưa tăng mà giá cổ phiếu đã giảm sâu?
Thực tế thì mức lạm phát và lãi suất của Việt Nam tính từ đầu năm 2022 tới nay chưa tăng đột biến nhưng giá cổ phiếu đã giảm rất sâu. Điều này có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:
– Thị trường Mỹ giảm ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư: Dù phần lớn nhà đầu tư ở Việt Nam không đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ nhưng khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu thì tâm lý của nhà đầu tư ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều này giải thích một phần lý do chứng khoán liên tục bị bán tháo khi thị trường Mỹ giảm điểm sâu.
– Kỳ vọng lạm phát và lãi suất sẽ tăng: Mặc dù lạm phát ở Việt Nam chưa tăng đột biến, nhưng trước áp lực lớn từ giá xăng dầu, việc tăng giá các mặt hàng hóa chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Áp lực từ giá xăng dầu tăng cao lên giá các loại hàng hóa tiêu dùng là rất lớn. Vì vậy, lạm phát kỳ vọng có xu hướng đang tăng lên. Do đó, lãi suất kỳ vọng được điều chỉnh tăng trong tương lai gần để đối phó với lạm phát. Đó là những lý do ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của nhà đầu tư và khiến thị trường liên tục giảm điểm.
Nhà đầu tư bán cổ phiếu mang tiền đi đâu?
Vậy khi lạm phát tăng lên, lãi suất tăng lên thì nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để mang tiền đi đâu? Xu hướng chung là khi lãi suất tăng lên thì kênh tiết kiệm sẽ là kênh hút một phần tiền từ thị trường chứng khoán. Một phần tiền bán chứng khoán sẽ được nhà đầu tư mang đi gửi ở ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng tìm các kênh trú ẩn khác như bất động sản, vàng trong thời kỳ lạm phát. Tùy theo đánh giá chủ quan của mỗi cá nhân mà mỗi nhà đầu tư chọn một kênh đầu tư khác nhau. Hoặc đơn giản nhiều người bán cổ phiếu đơn giản là kỳ vọng giá sẽ xuống thấp hơn nữa để mua lại. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể thì thị trường cổ phiếu trong dài hạn sẽ vẫn là một kênh đầu tư ứng phó tốt với lạm phát và tôi tin là kênh này vẫn tốt hơn so với các kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu.
Tuy nhiên, chỉ có điều là khi lạm phát và lãi suất cùng tăng lên thì định giá cổ phiếu sẽ không thể cao như thời điểm lạm phát và lãi suất vẫn đang ở mức thấp được nữa!