Chỉ số P/E được sử dụng rộng rãi trong đầu tư cổ phiếu để so sánh mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu khác nhau. P/E hiện tại của VNIndex (ở mức 860 điểm) là khoảng 14 lần, đây là mức P/E trung bình của thị trường. Vậy chỉ số P/E là gì và đặc biệt khi tính bạn cần lưu ý gì ở những doanh nghiệp có trích quỹ khen thưởng phúc lợi hay các doanh nghiệp có phát hành cổ phiếu ESOP?
Chỉ số P/E là gì và cách tính như thế nào?
Chỉ số P/E là gì và cách tính như thế nào?
Chỉ số P/E là viết tắt của cụm từ price-earnings ratio có ý nghĩa là chỉ số so sánh giá và lợi nhuận (hay còn gọi là khả năng sinh lời) của một cổ phiếu. Price ở đây chính là vốn hóa của doanh nghiệp (hoặc giá cổ phiếu), còn earning chính là lợi nhuận (hoặc thu nhập trên mỗi cổ phần). Như vậy ở đây bạn sẽ thấy có hai cách tính và sẽ cho ra kết quả giống nhau.
Thứ nhất là P/E = Vốn hóa/ lợi nhuận năm hoặc P/E = Giá cổ phiếu/ thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Tôi vẫn thường tính nhẩm nhanh chóng khi phân tích các cổ phiếu bằng cách lấy giá trị vốn hóa của cả công ty chia cho lợi nhuận năm gần nhất để tính P/E của một cổ phiếu. Tuy nhiên, cách tính P/E cũng khá đa dạng.
Với P (Price) thì trong mọi công thức tính chỉ số P/E cũng sẽ giống nhau, vì P là giá thị trường đang giao dịch/ hay chính là vốn hóa hiện tại của công ty bạn cần phân tích. Nhưng E (Earning), thì có thể là lợi nhuận năm gần nhất, hoặc lợi nhuận 4 quý gần nhất, hoặc như tôi thường tính là lợi nhuận trung bình từ 3-5 năm gần nhất. Tôi lấy lợi nhuận trung bình để giảm thiểu những ảnh hưởng bất thường có thể có trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho lợi nhuận năm gần nhất có thể không phải là chỉ tiêu đáng tin cậy để tính P/E.
Với các công ty không có công ty con thì lợi nhuận sau thuế chính là Earning dùng để tính chỉ số P/E. Tuy nhiên, với các báo cáo tài chính hợp nhất thì sẽ khác một chút. Thường trên các báo cáo tài chính hợp nhất (cả công ty mẹ và công ty con), thường có hai chỉ tiêu lợi nhuận. Một là lợi nhuận sau thuế, hai là Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ. Trường hợp này Earning bạn chỉ sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ thôi nhé, vì những phần lợi nhuận khác là cho cổ đông không kiểm soát nắm một phần cổ phần ở các công ty con.
Hướng dẫn cách tính P/E
Phần này tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tính chỉ số P/E thông qua ví dụ. Ví dụ với cổ phiếu Vingroup đi, vì Vingroup được rất nhiều người quan tâm. Giá trị vốn hóa hiện tại của Vingroup là 307.000 tỷ VNĐ. Lợi nhuận 4 năm gần nhất theo dữ liệu từ Cafef thì như sau:
Lợi nhuận sau thuế của Vingroup để tính chỉ số P/E
Nếu tính theo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2019 thì P/E của cổ phiếu VIC là: ~ 307.000/7.545 = 40,6 lần. Nếu tính trung bình 4 năm gần nhất thì P/E cổ phiếu Vingroup là: 67 lần.
Ví dụ này của Vingroup cho bạn thấy một vấn đề khi tính chỉ số P/E đó là P/E của cổ phiếu sẽ biến động liên tục qua các năm. Ngay cả khi giá cổ phiếu không đổi thì chỉ số P/E vẫn có thể bị trồi sụt liên tục rất thất thường. Đặc biệt trong những năm gần nhất nếu có các khoản thu nhập khác hay thu nhập tài chính bất thường từ hoạt động thoái vốn thì chỉ số P/E sẽ không phản ánh đúng thực tế tiềm năng của doanh nghiệp trong dài hạn.
Quỹ khen thưởng phúc lợi và ESOP làm méo mó lợi nhuận như thế nào?
Quỹ khen thưởng phúc lợi: Ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp đều trích một phần lợi nhuận sau thuế vào quỹ khen thưởng phúc lợi. Giao dịch trích quỹ này thường được thực hiện sau năm tài chính sau khi đại hội cổ đông thông qua. Đa phần các doanh nghiệp trích quỹ khen thưởng phúc lợi trong khoảng 5-15% lợi nhuận sau thuế vào quỹ này. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp trích tới 30% lợi nhuận sau thuế vào quỹ khen thưởng phúc lợi (ví dụ như cổ phiếu VGG: May Việt Tiến, cổ phiếu RAL: Bóng đèn Phích nước Rạng Đông).
Bản chất của quỹ khen thưởng phúc lợi là các khoản chi trả cho Hội đồng quản trị, ban giám đốc, và cán bộn nhân viên của công ty. Tuy nhiên, vì khoản này thường được trích từ lợi nhuận sau thuế nên các con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính đã hoàn toàn bị bóp méo. Gọi là lợi nhuận sau thuế nhưng cổ đông không được hưởng trọn vẹn. Những doanh nghiệp trích quỹ lớn như VGG hay RAL thì lợi nhuận thuộc về cổ đông chỉ là khoảng 70% con số trên báo cáo tài chính.
Cổ phiếu thưởng ESOP: cổ phiếu thưởng ESOP thường được phát hành bằng với mệnh giá. Và mức giá này thường thấp hơn rất nhiều so với mức giá cổ phiếu được giao dịch trên thị trường. Ví dụ kinh điển thì như trường hợp của cổ phiếu MWG. Trong thời gian từ 2014 – 2020, bằng việc phát hành liên tục cổ phiếu ESOP, 15,7% giá trị công ty đã được chuyển từ cổ đông sang ban lãnh đạo và nhân viên. Tính theo vốn hóa của MWG trừ đi phần tiền thu về từ bán cổ phiếu ESOP giá rẻ, khoảng 5.200 tỷ VNĐ đã được chuyển từ cổ đông sang ban lãnh đạo và nhân viên thông qua chính sách ESOP.
Vậy mà khoản 5.200 tỷ này không hề được MWG hạch toán như một khoản chi phí, trong khi đó rõ ràng là chi phí vô cùng lớn với các cổ đông của công ty. Với cổ phiếu MWG, việc tính P/E theo số liệu báo cáo để đưa ra quyết định đầu tư sẽ là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Vì lợi nhuận trên các báo cáo tài chính chưa phản ánh những chi phí từ việc phát hành cổ phiếu ESOP.
Điều chỉnh lợi nhuận khi tính P/E
Để có được một chỉ số P/E tương đối phản ánh đúng thực tế của doanh nghiệp, bạn sẽ cần điều chỉnh lợi nhuận cho phù hợp. Lợi nhuận này phải là phần mà thực sự thuộc về cổ đông của công ty và dĩ nhiên cần điều chỉnh sau khi đã điều chỉnh giảm quỹ khen thưởng phúc lợi và điều chỉnh giảm chi phí đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP. Sau khi có số liệu lợi nhuận điều chỉnh thì khi đó việc tính P/E mới trở nên hợp lý.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu rõ được P/E là gì, biết cách tính P/E nhanh chóng và quan trọng là có thể tự mình điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp khi cần để có một chỉ số P/E phản ánh hợp lý hiệu quả kinh doanh của công ty mình định đầu tư.