Tuy cùng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhưng cấu trúc tài chính của cổ phiếu CTD và cổ phiếu HBC quả là quá khác biệt. Một bên thì giữ lập trường nói không với các khoản vay nợ ngân hàng, còn một bên thì tận dụng vay nợ để tài trợ hoạt động, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Và dĩ nhiên, là một nhà đầu tư, tôi yêu thích những công ty ít sử dụng nợ vay hơn (CTD) những công ty vay nợ quá nhiều và quản lý dòng tiền kém hiệu quả như HBC. Những nội dung phân tích về cổ phiếu CTD ở bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn có thêm thông tin trước khi quyết định có nên đầu tư cổ phiếu CTD.
Có nên mua cổ phiếu CTD?
Phân tích cổ phiếu CTD
Tôi không có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, những thông tin tài chính của CTD cũng đã nói lên được nhiều điều quan trọng và tôi sẽ chia sẻ những phân tích cổ phiếu CTD với bạn trong nội dung bài viết này.
Vốn hóa và định giá
Ở mức giá hiện tại, sau khi phục hồi từ cuối Tháng 3/2020, cổ phiếu CTD đang giao dịch ở mức giá khoảng 80.000đ/cp, tức vốn hóa toàn công ty vào khoảng 6.200 tỷ VNĐ. P/B ~ 0.75 và P/E theo lợi nhuận trung bình 5 năm gần nhất là khoảng 5,3 lần.
Phân tích cổ phiếu CTD
Vấn đề mâu thuẫn lợi ích ở CTD
Mặc dù năm 2020, ở Coteccons đã có những biến chuyển rất lớn về mặt nhân sự trong Hội đồng quản trị, ban giám đốc nhưng rõ ràng những ảnh hưởng về mâu thuẫn lợi ích vẫn như một cái bóng ma thoắt ẩn, thoắt hiện chưa thể xóa hết những nghi ngờ của các cổ đông về việc chuyển khách hàng, doanh thu, lợi nhuận qua các công ty liên quan của các cổ đông nội bộ.
Chính vì vậy, với một nhà đầu tư năng động thì việc theo dõi hiệu quả kinh doanh của Coteccons, Ricons…Rồi việc theo dõi quy mô giao dịch nội bộ giữa các công ty liên quan sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá liệu Coteccons đã tách bạch được khỏi các thành viên khác của “Coteccons Group” trong những năm tới hay chưa.
Lợi nhuận gộp thấp phản ánh lợi thế cạnh tranh thấp
Chỉ tiêu lợi nhuận thuần trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Nhưng với công ty xây dựng thì biên lãi gộp có lẽ là chỉ tiêu phù hợp hơn và có khả năng lột tả tính kinh tế của hoạt động kinh doanh dịch vụ xây dựng. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới nay, biên lãi gộp của CTD đã thấp lại còn có xu hướng đi xuống, đặc biệt trong khoảng thời gian những năm gần đây.
Biên lãi gộp rất thấp của CTD
Điều này cũng không khác biệt nhiều so với các doanh nghiệp khác cùng ngành như Hòa Bình cũng có biên lợi nhuận gộp khá thấp.
Với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng như Coteccons, các khách hàng thường là những chủ đầu tư dự án bất động sản. Chi phí xây dựng chiếm một cấu phần rất lớn trong tổng chi phí giá vốn của doanh nghiệp bất động sản bên cạnh tiền thuế sử dụng đất. Và khi đặt cạnh nhau thì chúng ta sẽ thấy thêm những vấn đề nữa rất rõ ràng.
Ví dụ khách hàng lớn nhất của Coteccons trong những năm gần đây luôn là tập đoàn Vingroup, cụ thể là Vinhome. Trong khi biên lãi gộp của Vinhome luôn duy trì ở mức rất cao từ 30% – 40% thì biên lãi gộp của Coteccons lại khá khiêm tốn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về việc Coteccons không có nhiều sức mạnh trong đàm phán với khách hàng, hay nói cách khách là dịch vụ Coteccons cung cấp không có lợi thế cạnh tranh.
Với một sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh tệ thì các doanh nghiệp trong ngành sẽ không ngừng cạnh tranh bằng giá khiến việc kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn. Và trong ngày xây dựng bạn sẽ không tìm được các doanh nghiệp có những con hào sâu và rộng, một tiêu chí đầu tư hàng đầu của ngày Buffett.
Cơ cấu tài chính khá ổn
So với đối thủ nặng ký khác cùng ngành là HBC thì Coteccons có cấu trúc tài chính ổn hơn rất nhiều. Coteccons không có vay nợ, tiền gửi ngân hàng rất nhiều (khoảng hơn 3.400 tỷ). Khoản tiền gửi ngân hàng của CTD liên tục tích lũy qua các năm, mặc dù CTD vẫn liên tục chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Điều này là minh chứng rõ ràng cho một doanh nghiệp kinh doanh có lãi và tạo ra tiền chứ không phải là một doanh nghiệp chuyên tiêu tiền.
Mặc dù vậy, khoản phải thu lớn lên tới 8.000 tỷ VNĐ gần tương đương với mức vốn chủ sở hữu của CTD cũng là yếu tố nhà đầu tư cần cân nhắc rủi ro. Thuyết minh chi tiết về khoản phải thu này khá hạn chế, và không có nhiều thông tin trên báo cáo tài chính của CTD.
Nhận định cổ phiếu CTD
Sau khi đạt kỷ lục ở mức giá hơn 200.000đ/cp vào cuối năm 2017 thì cổ phiếu CTD đã giảm giá tới 60%. Và chắc chắn là nhà đầu tư nào mua cổ phiếu CTD ở mức giá này cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn rất nhiều so với mức giá 200.000đ/cp vì về mặt định lượng CTD đang được bán dưới giá trị sổ sách, định giá P/E trung bình lợi nhuận 5 năm cũng không tệ, CTD có lịch sử trả cổ tức tiền mặt khá tốt.
Tuy nhiên, những rủi ro chung của nền kinh tế chịu ảnh hưởng của Covid vẫn còn rất khó đoán định. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn cũng không quá tích cực bên cạnh các vấn đề về Coteccons Group vẫn chưa đủ minh bạch, rõ ràng. Tôi tiếp tục lựa chọn theo dõi với cổ phiếu CTD thay vì mua ngay ở mức giá hiện tại.