Đầu tư cổ phiếu hàng không chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng! Bài viết này tôi phân tích cổ phiếu hàng không trước bối cảnh Covid-19 đầy rủi ro ảnh hưởng quá lớn tới ngành hàng không.
Phân tích đầu tư cổ phiếu hàng không năm 2020
Ngành hàng không là một ngành thâm dụng vốn. Doanh nghiệp hàng không luôn sử dụng rất nhiều vốn để đầu tư vào các tài sản cố định. Mà chi phí khấu hao tài sản cố định luôn là những chi phí “tệ” nhất mà nhà đầu tư phải gánh chịu vì đây là một dòng tiền trả trước nhiều năm.
Nhờ sử dụng đòn bẩy tài chính mà trong những năm kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp hàng không có thể mang lại một mức sinh lời (ROE) khá ổn cho nhà đầu tư. Nhưng hãy tưởng tượng nếu một doanh nghiệp hàng không không sử dụng nợ vay mà đầu tư máy bay bằng 100% vốn chủ sở hữu thì ROE sẽ rơi xuống mức nào?
Chi phí hoạt động của ngành hàng không vô cùng lớn. Đặc biệt các chi phí nhiên liệu và các chi phí liên quan tới máy bay rất khó cắt giảm dù máy bay bay không người hay chở đầy khách.
Ngành hàng không là một ngành đầy cạnh tranh và hiếm có hãng hàng không nào có được lợi thế cạnh tranh bền vững. Phần lớn khách hàng ưu tiên lựa chọn về giá trước khi quan tâm tới các dịch vụ khác. Vì thế, trong ngành hàng không cuộc chiến về giá vé luôn rất khốc liệt.
Tỷ phú và cổ phiếu hàng không!
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên, khi tỷ phú Richard Branson, ông chủ của hãng hàng không Virgin Atlantic được hỏi làm cách nào để trở thành triệu phú thì ông đã trả lời rằng: Hãy là một tỷ phú trước, sau đó thành lập một hãng hàng không.
Còn nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng không có được trải nghiệm tốt đẹp với việc đầu tư vào ngành hàng không.
Năm 1989 là lần đầu tiên ông đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của một hãng hàng không (USAir). Ông đã nhiều lần tìm cách cắt lỗ khoản đầu tư này khi USAir liên tục làm ăn thua lỗ những năm sau đó, nhưng không thoái vốn thành công. May mắn trở lại vào năm 1997, USAir đã kinh doanh có lãi trở lại và có khả năng tiếp tục trả lợi tức và nợ vay cho Berkshire Hathaway. Sau này khi nói về trải nghiệm đầu tư vào USAir, ông gọi đó là một “bumpy ride”.
Từ năm 2016, Buffett bắt đầu đầu tư trở lại vào ngành hàng không khi mà ông không thể tìm kiếm được những con “cá lớn” khác để giải ngân núi tiền khổng lồ của Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid 2019 là một đòn chí mạng với các hãng hàng không và ông đã phải cắt lỗ/thoái vốn toàn bộ phần vốn đầu tư của mình trong 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ.
Hàng không Việt Nam 2020
Dịch bệnh Covid cũng đã khiến các hãng hàng không Việt Nam rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. Ở tình thế gian nan, người ta mới thấy VJC (một hãng hàng không giá rẻ – LCL) đã chống chọi với cú sốc giảm cầu tốt như thế nào khi mang ra so sánh với HVN. Sau 9 tháng, VJC báo lỗ hơn 2.300 tỷ còn HVN báo lỗ lên tới hơn 10.400 tỷ VND.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, vốn chủ sở hữu của HVN đã giảm từ 18.600 tỷ xuống chỉ còn 6.600 tỷ . Nợ phải trả của HVN hiện ở mức 55.000 tỷ và trong đó vay nợ tài chính là ~35.000 tỷ VNĐ. HVN đang đứng trước nguy cơ phá sản và đang chờ gói cưu trợ từ chính phủ thông qua góp thêm vốn, hoặc bảo lãnh cho khoản vay 11.000 tỷ để duy trì hoạt động.
Ở mức vốn hóa hiện tại là 35.000 tỷ VNĐ, HVN đang được giao dịch ở mức định giá P/B >5 và P/E trung bình 4 năm 2016 – 2019 (sau khi điều chỉnh trích quỹ khen thưởng phúc lợi) là ~21 lần.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HVN đang lạc quan một cách thái quá vào triển vọng phục hồi. Và tôi cũng cho rằng bức tranh tài chính của HVN những quý sắp tới sẽ còn tồi tệ hơn nữa, khi mà theo tỷ phú Bill Gates, phải tới khi có thế hệ Vaccine Covid thứ 2 hiệu quả hơn thế hệ Vaccine Covid thứ nhất thì cuộc sống mới có thể trở lại bình thường.!