Ảnh hưởng của dịch bệnh tới các khu vực khác nhau trên thế giới là vô cùng to lớn. GDP Quí II của Mỹ đã giảm 32,9%, khu vực Eurozone cũng có GDP giảm kỷ lục trong Quí II/2020 ở mức 12,1%. Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines có GDP giảm 16,5%, Singapore giảm 12,6%…Những tin xấu vẫn liên tục xuất hiện trên các mặt báo.
Việt Nam, cũng không phải là ngoại lệ. Và ngay cả những người dân bình thường tới cả trẻ nhỏ cũng đã phần nào thấy ảnh hưởng của dịch bệnh là vô cùng to lớn tới cuộc sống hàng ngày. Vậy mà nửa đầu năm 2020, phần lớn các ngân hàng ở Việt Nam vẫn liên tục báo lãi không hề có chút suy giảm đáng kể nào so với năm trước, khiến cho nhiều nhà đầu tư dựa vào những số liệu đó mà cảm thấy quá lạc quan. Nhưng với bản thân tôi, lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của các ngân hàng chưa thể hiện được đúng tình hình tài chính của họ.
Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng 2020?
Khối nợ xấu đã được giấu dưới thảm
Dịch bệnh covid xảy ra, hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước bị ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng nhà nước tới Tháng 4/2020 thì tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi covid vào khoảng 2 triệu tỷ, chiếm 23% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng. Ấy vậy mà kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các ngân hàng gần như chưa hề hấn gì, âu cũng là nhờ Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Vậy thông tư 01 nó thần kỳ như thế nào?
Khoảng 2 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid
Về cơ bản, Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid với một vài điểm đáng chú ý như sau:
Cơ cấu lại thời gian trả nợ:Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid – 19;c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Giữ nguyên nhóm nợ:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây:
a) Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại Điều 4 Thông tư này;
b) Số dư nợ được miễn, giảm lãi quy định tại Điều 5 Thông tư này;
c) Số dư nợ quy định tại điểm a, b khoản này bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Với hiệu lực của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hẳn là phần lớn các ông chủ nhà băng đã được thở phào một cách nhẹ nhóm để chờ tới khi đại dịch qua đi. Chưa biết đại dịch sẽ kéo dài bao lâu và ảnh hưởng thực tế sẽ như thế nào nhưng ở thời điểm này các báo cáo tài chính của các ngân hàng chắc chắn là một phần không hề nhỏ trong con số ước tính 2 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid kia đã được cơ cấu lại. Với cách làm này, các khoản nợ xấu đã được ngân hàng giấu kỹ như là giấu bụi dưới thảm vây. Tuy nhiên, chắc chắn trong thời gian không xa, những khoản nợ này sẽ phải được mang ra để xử lý.
Kỳ vọng gì ở cổ phiếu ngân hàng năm 2020?
Với tác dụng kỳ diệu của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, chắc chắn là lợi nhuận ngân hàng năm 2020 vẫn sẽ chưa bị hấn gì, một số ngân hàng có thể còn có lợi nhuận thăng hoa nếu vẫn có thể tăng trưởng tín dụng trong khi đó đi kèm với hoạt động cắt giảm chi phí để dự phòng cho làn sóng nợ xấu sắp tới.
Chưa biết khối nợ xấu trong tương lai hình hài sẽ ra làm sao nên việc đánh giá kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho các năm sau nữa như 2021, 2022 là không hề đơn giản.
Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng lúc này?
Không chỉ có triển vọng kém tích cực trong những năm tới, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được giao dịch ở mức giá quá cao so với đánh giá của cá nhân tôi, ví dụ cổ phiếu VCB chẳng hạn. Chính vì những khó khăn còn tiềm ẩn phía trước và mức định giá tôi không sẵn sàng để đầu tư, lựa chọn lúc này của cá nhân tôi là tiếp tục đứng bên lề quan sát và tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác mà tôi tin có tỷ lệ sinh lời trong tương lai tốt hơn so với việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này.
Còn bạn, bạn có lựa chọn đầu tư cổ phiếu ngân hàng lúc này? Hãy bình luận dưới đây để cùng trao đổi thêm với tôi nhé!