Techcombank là là một trong những ngân hàng tư nhân tăng trưởng và phát triển nhanh nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Bài viết này, bạn hãy cùng mình tìm hiểu, phân tích đáng giá triển vọng đầu tư cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Tổng quan về cổ phiếu TCB
Có hai điểm nổi bật người ta thường nói về cổ phiếu TCB. Thứ nhất là về dịch vụ khách hàng. Ngân hàng Techcombank là một trong những ngân hàng tiên phong miễn phí dịch vụ cho khách hàng.
Từ những năm 2017, 2018 người ta đã thấy Techcombank miễn phí giao dịch chuyển khoản cho khách hàng cá nhân. Đến nay, xu hướng này đã trở thành một xu hướng tất yếu trong lĩnh vực ngân hàng. Ngày càng có nhiều ngân hàng miễn phí dịch vụ tài khoản, chuyển khoản và người dùng là những người được hưởng lợi.
Techcombank làm được điều này vì họ sớm đầu tư rất mạnh vào nền tảng công nghệ. Nhờ nền tảng công nghệ hiện đại, xử lý giao dịch nhanh chóng, Techcombank ngày càng nhận được nhiều thiện cảm từ người dùng. Nhiều năm nay, Techcombank luôn là một ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số.
Thứ hai là về hoạt động kinh doanh. Mặc dù Techcombank đã đa dạng hóa danh mục khách hàng khá nhiều trong những năm gần đây, thúc đẩy mạnh mảng bán lẻ, nhưng Techcombank vẫn là một ngân hàng có hoạt động kinh doanh gắn bó mật thiết với một số tập đoàn kinh tế lớn như Masan, Vingroup…Và mảng cho vay kinh doanh bất động sản vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cho vay ở Techcombank.
Lịch sử niêm yết
Techcombank niêm yết cổ phiếu vào năm 2018. Ngay trước thời điểm niêm yết, TCB đã tranh thủ tăng vốn rất mạnh. Hiện nay, Techcombank là cổ phiếu được niêm yết trên sàn HOSE và là một ngân hàng có vốn hóa lớn, nằm trong rổ chỉ số VN30.
Niêm yết cổ phiếu từ năm 2018, giá cổ phiếu TCB đã trải qua nhiều chu kỳ biến động. Nếu nhìn lại lịch sử cổ phiếu TCB trong 5 năm qua, thì có những lúc vốn hóa của Techcombank đã vượt 200.000 tỷ. Hiện tại, vốn hóa của TCB đã giảm khoảng 50% so với đỉnh và còn khoảng 100.000 tỷ VNĐ.
Có thể nói, Techcombank đã có một thương vụ IPO thành công vào năm 2018. Tuy nhiên, nếu xét theo giá cổ phiếu thì những nhà đầu tư vào cổ phiếu TCB ở thời điểm IPO và nắm giữ đến nay thì có mức lãi không đáng kể, thậm chí là thua lỗ. Lý do là năm 2022, hoạt động kinh doanh của Techcombank đối mặt với quá nhiều thông tin tiêu cực.
Tại sao giá cổ phiếu TCB giảm mạnh năm 2022?
So với vùng giá đỉnh thiết lập năm 2021 vào khoảng 55.000đ/cp thì hiện nay giá cổ phiếu TCB chỉ còn khoảng 28.000, giảm khoảng 50%. Đây là một mức giảm giá rất mạnh, xảy ra trong thời gian chỉ vài tháng. Có một số nguyên nhân dẫn đến đà giảm sâu của cổ phiếu Techcombank bao gồm:
- Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu. Trong đó các cổ phiếu ngành ngân hàng đều giảm mạnh so với mức gia đỉnh thiết lập trong năm 2021.
- Triển vọng kém tích cực với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khi mặt bằng lãi suất liên tục tăng lên. Khi ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành thì mặt bằng lãi suất tiền gửi của các nhà băng sẽ tăng lên. Trong khi đó, lãi suất cho vay khó có thể điều chỉnh tăng do mặt bằng lãi cho vay đã khá cao. Điều này có thể khiến lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng không thể tăng trưởng tích cực như năm 2022.
- Điểm thứ 3 liên quan trực tiếp đến Techcombank: Ngân hàng Techcombank là ngân hàng có danh mục đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản rất lớn. Tính đến Quí 3/2022, Techcombank nắm giữ khoảng 43.500 tỷ trái phiếu doanh nghiệp và 98.000 tỷ cho vay kinh doanh bất động sản. Nhiều nhà đầu tư lo ngại danh mục trái phiếu và cho vay bất động sản của TCB có rủi ro cao, có thể phát sinh nợ xấu trong thời gian tới do rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Tổng hợp cả các yếu tố khách quan và chủ quan, nội tại của Techcombank khiến nhà đầu tư đánh giá triển vọng với cổ phiếu TCB trở nên tiêu cực hơn so với trước đây. Và đó là nguyên nhân hàng đầu khiến cho giá cổ phiếu TCB đã giảm rất sâu trong thời gian qua.
Tóm tắt thông tin cổ phiếu TCB ở thời điểm hiện nay
- Giá mỗi cổ phiếu: 28.200đ
- Vốn hóa: 99.186 tỷ VND
- Vốn chủ sở hữu (Q3/2022): 108.867 tỷ VNĐ
Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu TCB đang có vốn hóa thấp hơn giá trị sổ sách.
Nhận định triển vọng cổ phiếu TCB
Năm 2022 là một năm kinh doanh vẫn khá tích cực của Techcombank và nhiều cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, triển vọng của năm 2023 hiện đã kém tích cực đi khá nhiều do những khó khăn chung về vĩ mô bao gồm các rủi ro:
- FED tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể khiến NHNN tiếp tục phải tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.
- Khó khăn bủa vây hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khi trái phiếu sẽ đáo hạn rất nhiều trong năm 2023. Danh mục trái phiếu mà TCB nắm giữ cũng như danh mục cho vay kinh doanh bất động sản của TCB có thể bị ảnh hưởng và phát sinh nợ xấu.
- Room tín dụng năm 2023 có thể thấp hơn năm 2022, do đó triển vọng tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có thể kém tích cực hơn năm 2022.
Mặc dù có nhiều khó khăn, Techcombank vẫn là một ngân hàng có những lợi thế nhất định trong kinh doanh bao gồm:
- Techcombank là ngân hàng tiên phong miễn phí dịch vụ và duy trì được tỷ lệ CASA rất cao. CASA là tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng ở ngân hàng, có mức lãi suất huy động rất thấp. Đến cuối Quí 3/2022, tỷ lệ CASA của Techcombank vẫn được duy trì ở mức 46,5%. Nhờ duy trì tỷ lệ CASA cao, chi phí vốn của Techcombank rất rẻ so với các ngân hàng khác có cùng quy mô là nền tảng để duy trì NIM (net interest margin), mang lại lợi nhuận ổn định cho Techcombank.
- Với qui mô vốn chủ sở hữu lên tới 108.867 tỷ VND, Techcombank là ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống ngân hàng, chỉ sau Vietcombank. Quy mô vốn chủ sở hữu lớn giúp tỷ lệ an toàn vốn CAR của TCB luôn ở mức cao và an toàn.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, triển vọng kinh doanh của Techcombank trong năm 2023 vẫn khá tích cực. Các mảng kinh doanh chính là tín dụng và các hoạt động dịch vụ vẫn sẽ là nền tảng tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của Techcombank trong những năm tiếp theo.
Phân tích cổ phiếu Techcombank
Để phân tích, đánh giá cổ phiếu TCB, chúng ta cần đặt cổ phiếu TCB trong tương quan với các cổ phiếu khác của ngành ngân hàng. Và dưới đây là một số thông tin sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về Techcombank và cổ phiếu TCB.
1. Về quy mô tài sản: Techcombank là ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ 4 trong số các ngân hàng đang niêm yết. Quy mô tài sản của Techcombank là hơn 671.000 tỷ đến cuối Quí 3/2022.
2. Về quy mô vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu của TCB hiện đang lớn thứ 2 hệ thống, chỉ đứng sau Vietcombank.
3. Dự nợ tín dụng cho vay: Quy mô cho vay của Techcombank hiện đứng thứ 6 hệ thống với số dư cho vay khoảng hơn 411.000 tỷ VNĐ.
4. Thu nhập lãi thuần: Trong 10 năm qua, thu nhập lãi thuần của Techcombank đã tăng trưởng rất mạnh. Quy mô thu nhập lãi thuần của TCB hiện tại tương đương với MBBank, kém VCB, BIDV, Vietinbank và VPBank.
5. Lãi từ hoạt động dịch vụ: Lãi từ hoạt động dịch vụ của TCB cũng liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua. Năm 2021, lãi thuần hoạt động dịch vụ của TCB chỉ thua kém VCB và BIDV.
6. Lợi nhuận sau thuế: Lợi nhuận sau thuế của TCB liên tục tăng trưởng. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của TCB lớn thứ 2 hệ thống, chỉ kém VCB.
7. NIM: NIM là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí huy động của các ngân hàng. NIM thể hiện khả năng sinh lời của ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Techcombank hiện là một ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, chi phí vốn của TCB khá rẻ so với các ngân hàng khác có cùng quy mô. Đó là lý do NIM của TCB được duy trì ở mức khá cao.
8. ROA: ROA của Techcombank cao nhất hệ thống ngân hàng cho thấy Techcombank sử dụng tài sản rất hiệu quả.
9. ROE: ROE của Techcombank gần tương đương với các ngân hàng tư nhân khác như ACB, MBB, OCB…Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của TCB những năm gần đây luôn duy trì trên 20%/năm.
Định giá cổ phiếu TCB
Về cơ bản, Techcombank là một ngân hàng tư nhân có hiệu quả hoạt động kinh doanh khá nổi bật. Các chỉ tiêu so sánh với các ngân hàng khác như NIM, ROA, ROE của TCB luôn ở nhóm đầu cho thấy Techcombank là một ngân hàng được quản trị hiệu quả, và có chiến lược kinh doanh đúng đắn. Hiện tại, thông tin vốn hóa, định giá của cổ phiếu TCB như sau:
- Giá cổ phiếu TCB: 28.250đ
- Vốn hóa: ~99.000 tỷ VNĐ
- P/B ~0.92 lần
- P/E ~4.7 lần
Theo các thông số cơ bản về định giá thì cổ phiếu TCB đang có một mức định giá khá rẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc những rủi ro có thể khiến triển vọng kinh doanh của Techcombank sụt giảm mạnh trong những quý tới bao gồm:
- Rủi ro đối với danh mục trái phiếu mà Techcombank đang nắm giữ. Quy mô danh mục trái phiếu của TCB lên đến 43.500 tỷ VNĐ. Hiện nay trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư đang có xu hướng bán tháo, tháo chạy khỏi kênh đầu tư cổ phiếu. Do đó, có rủi ro là TCB có thể phải trích lập dự phòng đối với danh mục đầu tư trái phiếu trong thời gian tới.
- Rủi ro thứ hai là danh mục cho vay kinh doanh bất động sản. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, thanh khoản khó khăn thì danh mục cho vay kinh doanh bất động sản của TCB tiềm ẩn rất nhiều nợ xấu có thể phát sinh. Nợ xấu có thể khiến TCB gặp nhiều khó khăn trong tương lai khi phải trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu.
Cách mua cổ phiếu
Techcombank là ngân hàng niêm yết trên HOSE. Nghĩa là nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản chứng khoán là có thể giao dịch mua cổ phiếu của Techcombank khá dễ dàng. Bạn chỉ cần mở một tài khoản chứng khoán ở công ty chứng khoán bất kỳ là có thể bắt đầu tiến hành đầu tư cổ phiếu Techcombank.
Có nên đầu tư cổ phiếu Techcombank?
Techcombank là một ngân hàng có vốn hóa lớn. Với vốn hóa hiện tại gần 100.000 tỷ VNĐ, Techcombank là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Nhiều năm nay, mã cổ phiếu TCB luôn nằm trong danh mục VN30, được nhiều quỹ đầu tư lớn quan tâm và đầu tư.
Cổ phiếu TCB nằm trong danh mục VN30 nên cũng được nhiều quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số VN30 mua vào và nắm giữ dài hạn. Hiện nay, cổ phiếu TCB là một cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư.
Trong danh mục các cổ phiếu ngân hàng thì cổ phiếu Techcombank luôn là một lựa chọn đáng cân nhắc. Có thể nói mã TCB chính là một trong những mã cổ phiếu đầu ngành của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên có nên đầu tư cổ phiếu Techcombank hay không thì nhà đầu tư cần tự mình nghiên cứu kỹ lưỡng và tự mình đưa ra quyết định. Chỉ có nhà đầu tư mới có thể tự mình đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình. Các nội dung trong bài viết này chỉ có mục đích cung cấp thông tin hỗ trợ nhà đầu tư phân tích, đánh giá cổ phiếu Techcombank. Trường hợp bạn cần những tư vấn chuyên sâu và cụ thể, hãy liên hệ với mình để trao đổi thêm nhé.