Trên quan điểm đầu tư của chúng tôi, những nhà đầu tư đang trở lên quá tham lam khi trả giá hơn 2.200 tỷ cho cổ phiếu TTF – một công ty hiện đã âm vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ theo báo cáo tài chính quý gần nhất. Nội dung bài viết này phân tích cổ phiếu TTF để giúp nhà đầu tư đánh giá xem có nên đầu tư hay không.
Phân tích cổ phiếu TTF
Sau vụ hàng tồn kho bị “biến mất” hơn 980 tỷ vào năm 2016, TTF từ đó đến nay là một công ty hoạt động cầm chừng, sống lay lắt. Những năm 2018, 2019, TTF tiếp tục bài ca thua lỗ và tới nay đã âm vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ VNĐ. Trên báo cáo tài chính hợp nhất là âm vốn hơn 500 tỷ.
Ấy vậy mà mới chỉ qua hai quí có chút lợi nhuận, các nhà đầu tư đã nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu TTF lên cao gấp 3 lần trong vòng chưa đầy 1 năm. Vốn hóa của TTF hiện đã hơn 2.200 tỷ VNĐ và nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng TTF sẽ trở về mệnh giá. Vậy trên báo cáo tài chính của TTF có gì?
Thông tin tài chính của TTF
Trên báo cáo tài chính Quí II/2020 hợp nhất của TTF, hiện tại phần lớn các tài sản của TTF bao gồm: Phải thu ngắn hạn (378 tỷ), hàng tồn kho (700 tỷ), Tài sản cố định (362 tỷ), Tài sản dài hạn khác (225 tỷ) và lợi thế thương mại (118 tỷ). Tổng tài sản của TTF là khoảng gần 2.200 tỷ VNĐ
Với nợ phải trả thì hiện tại TTF có tổng nợ phải trả là 2.700 tỷ (trong đó có 1.100 tỷ là khách hàng trả trước). Lũy kế, vốn chủ sở hữu hiện đang âm 559 tỷ VNĐ.
Với số nợ lớn và âm vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính của TTF hiện vô cùng bết bát và rõ ràng TTF phải liên tục dàn xếp, thương lượng với các chủ nợ xin hoãn trả các khoản nợ vay và nợ khác…Do không có dòng tiền để trả các khoản nợ.
Kết quả kinh doanh năm 2020, 2021
Năm 2020, hoạt động kinh doanh của TTF bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại với doanh thu đạt hơn 562 tỷ VNĐ. Lợi nhuận sau thuế cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020 là 43 tỷ. Mặc dù đây là một con số phục hồi tích cực và ngoại mục từ những năm lỗ liên tiếp trước đó nhưng rõ ràng với mức lãi này thì TTF vẫn sẽ phải mất nhiều năm để có thể hết âm vốn chứ chưa nói tới việc xây dựng được cấu trúc tài chính lành mạnh.
Năm 2021, tình hình kinh doanh của công ty kém hơn so với năm 2020. Mặc dù doanh thu tăng khá mạnh so với năm 2020 nhưng Covid đã ảnh hưởng khá nhiều tới hoạt động kinh doanh của TTF. Kết quả là năm 2021, TTF lại tiếp tục thua lỗ.
Nhà đầu tư đang quá tham lam mua cổ phiếu TTF
Với mức vốn hóa hiện tại khoảng 2.200 tỷ, các nhà đầu tư đang tham lam trả giá quá cao cho một công ty còn quá nhiều vấn đề, cấu trúc tài chính không lành mạnh, không thể vay vốn ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính phía trước.
Rõ ràng với mức vốn hóa này, TTF đang được định giá tương đương với nhiều doanh nghiệp khác như AST (Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco), BIC (Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam), CDN (Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng), CEO (Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O), CRE (Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ), DGW (Công ty cổ phần Thế giới số)…Và còn rất nhiều cái tên khác.
Rõ ràng khi đặt lên bàn cân và so sánh, bản thân chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao TTF lại có mức vốn hóa như thế. Là một nhà đầu tư cá nhân, tôi lựa chọn đầu tư những cổ phiếu khác với triển vọng tích cực hơn là tham gia vào trò chơi đầu cơ ở cổ phiếu TTF.