Đầu tư cổ phiếu chắc chắn là một con đường chính đáng để làm giàu và phần lớn những nhà đầu tư mới còn non nớt kinh nghiệm sẽ luôn tự đặt câu hỏi là nên mua cổ phiếu nào? Nên mua cổ phiếu Blue Chip hay cổ phiếu Mid-cap; cổ phiếu Small-cap? Tuy nhiên, khi bạn đặt câu hỏi này thì bạn đã quên mất một phần cực kỳ quan trọng ở vế sau mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đặt câu hỏi thêm đó là: Nên mua với giá bao nhiêu?
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp tốt nhưng không vì thế mà cổ phiếu của họ hấp dẫn, lý do rất đơn giản là giá các cổ phiếu đó đã quá cao. Bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn đúng đắn về việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
Nên mua cổ phiếu nào?
Nên mua cổ phiếu nào?
Câu trả lời thường gặp với những nhà đầu tư nghiệp dư hay những người đôi khi dành một chút tiền đi mua cổ phiếu cho câu hỏi này là: Mình chỉ mua cổ phiếu Blue Chip. Ở thời điểm này thì danh sách những cổ phiếu cụ thể trả lời cho câu hỏi này đại loại sẽ là mình mua cổ phiếu Vinamilk (VNM), mình mua cổ phiếu Vingroup (VIC), hay mình mua cổ phiếu Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB)…
Những cổ phiếu lọt rổ danh mục VN30 có thể coi là các cổ phiếu Blue Chip và thường là những cổ phiếu hút tiền, thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư. Những cổ phiếu này là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường, có thanh khoản tốt, doanh nghiệp vốn hóa lớn làm ăn đàng hoàng có những sản phẩm dịch vụ được xã hội công nhận rộng rãi.
Vì những lý do này mà các nhà đầu tư nghiệp dư hay những nhà đầu tư mới thường cảm thấy an tâm khi chọn mua cổ phiếu Blue Chip. Số tiền giải ngân không nhiều khiến họ thường ngại tìm hiểu kỹ mà cứ thế là mua mà quên mất một điều quan trọng là bạn trả giá bao nhiêu cho các cổ phiếu Blue Chip này và giá trị thực tế bạn nhận được là gì? Bản thân là một người nhiều năm đầu tư cổ phiếu, mình thường không mua các cổ phiếu Blue Chip vì giá của chúng thường ở mức quá cao so với giá trị nội tại – giá trị bạn nhận được khi sở hữu cổ phiếu đó.
Nếu chỉ nhìn qua một số chỉ số cơ bản như P/B, P/E thì bạn sẽ thấy có nhiều cổ phiếu Blue Chip có P/E lên tới 30 – 40 lần. Nghĩa là nếu doanh nghiệp kinh doanh với hiệu quả không thay đổi trong tương lai thì phải mất 30 – 40 năm nó mới tạo ra số lợi nhuận (hoặc EPS) tương ứng với mức vốn hóa (mức giá P) mà bạn trả ra để mua cổ phiếu đó.
Vì vậy, trước khi đầu tư cổ phiếu bạn cần phải hỏi đầy đủ câu hỏi là:Nên mua cổ phiếu nào và giá bao nhiêu thì mua được?
Ý đầu tiên là nên chọn cổ phiếu nào thì rất nhiều người có thể trả lời cho bạn vì trên thị trường có nhiều công ty niêm yết kinh doanh rất tốt, lãi lớn như các cổ phiếu ngân hàng Vietcombank, VPBank, Techcombank, cổ phiếu bán lẻ MWG (viết tắt cho nhanh), VRE, PNJ, sản xuất (VNM…). Nhưng ý thứ hai thì không có nhiều người có thể trả lời cho bạn đâu. Bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu là câu hỏi bạn phải tự mình quyết định. Mua một cổ phiếu tốt với giá quá cao có thể khiến bạn nhiều năm sau mới có thể hòa vốn. Bạn hãy xem thử lịch sử giá cổ phiếu FPT từ năm 2007 tới nay đi. Những ai mua vào thời kỳ cao điểm hơn 400.000đ/cp FPT thì phải hơn 10 năm sau mới hòa vốn.
Nhà đầu tư mắc sai lầm mua cổ phiếu FPT ở mức giá quá cao năm 2007 mất hơn 10 năm mới hòa vốn
Nên mua cổ phiếu Blue Chip, Mid-cap hay Small-cap?
Tùy theo khẩu vị đầu tư và nhu cầu cá nhân mà các nhà đầu tư khác nhau sẽ lựa chọn cổ phiếu Blue Chip, Mid-cap hoặc Small-Cap. Các cổ phiếu Blue Chip thì thường là những công ty có lịch sử kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh. Nhưng vì đây là những cổ phiếu thu hút được đông đảo nhà đầu tư quan tâm nên giá các cổ phiếu này thường không rẻ (khi tính tới yếu tố P/E hay P/B).
Các cổ phiếu Mid-cap và Small-cap là những cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ. Đây là những doanh nghiệp mà cá nhân mình phân loại là những công ty có vốn hóa từ khoảng vài trăm tỷ VNĐ tới vài nghìn tỷ VNĐ. Về số lượng thì đây là nhóm doanh nghiệp chiếm số lượng áp đảo trên thị trường từ HOSE, tới HNX và UpCom.
Mua cổ phiếu Blue chip ở giá quá cao là sai lầm mà nhiều nhà đầu tư mức phải
Doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ là nơi tiềm năng có nhiều cơ hội đầu tư sinh lời mà mình thường xuyên tìm hiểu. Và ngay cả những doanh nghiệp Blue Chip hiện nay thì trước đây họ cũng đã từng là những cổ phiếu Mid-cap, Small-cap. Và không ít người đã giàu lên nhờ những cổ phiếu Mid-cap, Small-cap phát triển liên tục sau hàng thập kỷ và đã trở thành Blue Chip (Large-cap).
Với số lượng doanh nghiệp đa dạng, nhiều ngành nghề. Nhóm các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ là nơi có vô cùng nhiều cơ hội đầu tư. Việc tìm hiểu các doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho cá nhân mình hơn là nhóm Blue Chip.
Bạn hãy tưởng tượng đơn giản thế này đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giống như đi đánh bắt cá ngoài biển khơi. Nơi nào đã quá đông các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội (nhóm các cổ phiếu Blue Chip) thì cơ hội sẽ giảm đi vì nhà đầu tư tranh mua đẩy giá lên quá cao. Hãy tìm kiếm ở những nơi xa hơn là các nhóm cổ phiếu Mid-cap, Small-cap bạn sẽ dễ tìm được các cơ hội đầu tư tốt hơn.
Các cổ phiếu Mid-cap, Small-cap có rủi ro hơn cổ phiếu Blue Chip không?
Phần lớn các nhà đầu tư đều nghĩ rằng các cổ phiếu Mid-cap và Smalll-cap là những cổ phiếu rủi ro hơn cổ phiếu Blue Chip. Nhưng nếu vấn đề chỉ suy nghĩ vấn đề này theo hướng đơn thuần như vậy thì mình thấy là hoàn toàn sai lầm.
Thực tế đúng là có nhiều doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ có mức độ minh bạch thông tin kém hơn so với các doanh nghiệp lớn. Hệ thống quản trị cũng không được kiện toàn như các doanh nghiệp lớn nhưng chỉ dựa vào điều này mà nói cổ phiếu Mid-cap hay Small-cap rủi ro hơn cổ phiếu Blue chip thì bạn đã bỏ quên mất hai yếu tố khác cực kỳ quan trọng.
Việc đánh giá một cố phiếu rủi ro nhiều hay ít phụ thuộc vào việc bạn hiểu doanh nghiệp đó tới mức nào và mức giá bạn trả giá cho cổ phiếu đó có hợp lý hay không. Nếu bạn trả một giá quá cao cho doanh nghiệp tốt thì điều đó khiến bạn gặp nhiều rủi ro dù doanh nghiệp bạn mua cổ phiếu có tốt tới mức nào đi nữa. Với bản thân mình, mình chọn nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở một mức giá có biên an toàn đủ lớn để mình có thể ngủ ngon hàng đêm mà không cần lo lắng về giá cổ phiếu sẽ thay đổi như thế nào vào ngày hôm sau, tuần sau, tháng sau hay thậm chí cả năm sau đó.