Chính sách phát hành cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) được nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam triển khai để gắn kết lợi ích của người lao động với công ty. Tuy nhiên, vì chế độ toán Việt Nam chưa có hướng dẫn về cách hạch toán các chi phí liên quan tới chính sách ESOP nên bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thường bị méo mó bởi chính sách này. Nếu là một nhà đầu tư mới đang tìm hiểu để đầu tư cổ phiếu của một doanh nghiệp thường phát hành ESOP thì bạn cần hiểu về ESOP và ảnh hưởng có nó tới cổ đông. Bài viết này tôi sẽ nói về những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ESOP nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu bạn chưa biết gì về cổ phiếu ESOP thì bạn có thể đọc thêm bài viết ESOP là gì để nắm được những khái niệm cơ bản về cổ phiếu ESOP.
MWG phát hành ESOP rất nhiều!
Có một thực tế không thể phủ nhận là MWG là một công ty làm ăn hiệu quả, tăng trưởng liên tục và cổ phiếu MWG đã làm giàu cho rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở khía cạnh bài viết này tôi muốn nói về chính sách phát hành cổ phiếu ESOP của MWG. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2020, MWG đã phát hành và chia cổ tức cho các cổ phiếu ESOP giúp ban lãnh đạo và nhân viên của MWG sở hữu tới 71 triệu cổ phiếu MWG, chiếm 15,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Nói một cách khác thì trong 6 năm, 15,7% giá trị của công ty MWG được chuyển từ cổ đông sang cho ban lãnh đạo và nhân viên thông qua chính sách phát hành ESOP thấp hơn nhiều so với thị giá. Ước tính theo giá trị thị trường thời điểm hiện tại, phần giá trị bị chuyển từ cổ đông sang lãnh đạo và nhân viên của MWG vào khoảng hơn 5.000 tỷ VNĐ.
Một thực tế đáng buồn là con số chi phí khoảng hơn 5.000 tỷ này thực sự là chi phí với các cổ đông của MWG nhưng nó không thể hiện trên các báo cáo tài chính. Hay nói một cách khác là chính sách ESOP của MWG đã giúp MWG giấu đi một khoản chi phí khoảng hơn 5.000 tỷ VNĐ mà nếu MWG thưởng cho nhân viên bằng tiền mặt thì chắc chắn đã phải hạch toán giảm lợi nhuận trong thời gian từ 2014 – 2016.
Thêm một vấn đề nữa mà các cổ đông của MWG phải cân nhắc là khoản chi phí hơn 5000 tỷ ước tính này không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Trái ngược với việc phát hành cổ phiếu ESOP, nếu MWG chi ra 5.000 tỷ VNĐ trong 6 năm để thưởng cho ban lãnh đạo, nhân viên thì chắc chắn là cổ đông đã tiết kiệm được 1.000 tỷ VNĐ tiền thuế TNDN.
Nếu bạn có ý định đầu tư cổ phiếu MWG, hãy cân nhắc điều chỉnh lợi nhuận cho phù hợp khi đánh giá và định giá cổ phiếu MWG./
VPBank bán nhiều ESOP cho CEO
Nói về chính sách phát hành ESOP thì cũng không thể không nhắc tới VPBank với những vụ phát hành cổ phiếu ESOP mà Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh luôn được hưởng tới gần 1/2 lượng cổ phiếu phát hành. Chỉ sau hai lần phát hành cổ phiếu ESOP năm 2018 và năm 2019, CEO Nguyễn Đức Vinh đã được mua tổng cộng hơn 32 triệu cổ phiếu VPBank. Tính theo giá thị trường khoảng 22.000đ/cp thì ông Nguyễn Đức Vinh đã lãi hơn 380 tỷ VNĐ nhờ giao dịch mua cổ phiếu ESOP. Ông Vinh cũng đã ngay lập tức lọt Top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý là trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của VPBank thì Tổng lương, thưởng của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc (18 người) là 121 tỷ VNĐ. Như vậy riêng phần thưởng thông qua cổ phiếu ESOP cho ông Nguyễn Đức Vinh đã hơn lương thưởng cả năm của 18 người cộng lại. Và chắc chắn khoản thưởng này gấp nhiều lần tiền lương hàng năm của ông Nguyễn Đức Vinh.
Đổi lại nếu VPBank xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch thưởng hàng trăm tỷ mỗi năm cho CEO thì tôi nghĩ rằng rất khó để kế hoạch như thế này được thông qua vì trên thị trường chưa hề có doanh nghiệp nào thưởng hàng trăm tỷ cho CEO như vậy.
SSI cũng liên tục có ESOP
Giống như MWG, SSI cũng là công ty thường xuyên phát hành ESOP với số lượng lớn. Ở SSI, phần lớn cổ phiếu ESOP được phát hành cho ban lãnh đạo của công ty. Và thống kê dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn đẩy đủ về ảnh hưởng của chính sách phát hành cổ phiếu ESOP ở SSI từ năm 2015 tới nay.
Tính từ năm 2015 tới nay, lượng cổ phiếu ESOP được SSI phát hành hoặc cổ phiếu thưởng liên quan tới cổ phiếu ESOP tổng cộng là hơn 61 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 10% tổng số cổ phần đang lưu hành của SSI. Trong vòng 5 năm, 10% cổ phần của công ty đã được bán cho nhân viên, lãnh đạo công ty thông qua chính sách ESOP. Tuy nhiên, khác với MWG cổ phiếu SSI được phát hành ESOP với mức giá 10.000đ và không thấp hơn quá nhiều so với thị giá như trường hợp của MWG. Tính theo giá trị thị trường hiện tại mỗi cổ phiếu SSI có giá 15.900đ thì chính sách ESOP của SSI đã chuyển một phần tài sản tương đương khoảng 360 tỷ từ cổ đông sang ban lãnh đạo và nhân viên.
Cổ phiếu MSN: Doanh nghiệp cũng liên tục phát hành ESOP
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cũng là một doanh nghiệp có lịch sử thường xuyên phát hành cổ phần ESOP cho ban lãnh đạo và nhân viên. Từ năm 2013 tới nay, theo thống kê của tôi thì MSN đã phát hành cổ phần ESOP và cổ phiếu thưởng với số lượng tổng cộng lên tới 84 triệu cổ phần cho ban lãnh đạo và nhân viên. Số cổ phần này chiếm tới hơn 7% số lượng cổ phiếu MSN đang lưu hành và có giá trị thị trường vào khoảng 4.600 tỷ.
Nếu như toàn bộ số cổ phần này được phát hành bằng mệnh giá (10.000đ) thì MSN thu về khoảng 840 tỷ tiền vốn. Tính ra một giá trị khoảng (4.600 – 800 = 3.800 tỷ) đã được chuyển từ cổ đông sang cho nhân viên thông qua chính sách ESOP. Đây là tôi còn chưa tính thêm cả các khoản cổ tức bằng tiền được trả trong thời gian từ 2013 – 2020. Nếu tính cả cổ tức bằng tiền chi ra năm 2017 vào khoảng 114 tỷ cho các cổ phần liên quan tới ESOP thì chi phí với cổ đông của MSN từ 2013 tới nay là hơn 3.900 tỷ VNĐ. Khoản chi phí này không hề xuất hiện trên các báo cáo tài chính nhưng thực sự là chi phí đối với các cổ đông của MSN.
Thấy gì từ chính sách phát hành cổ phiếu ESOP?
Thay vì thưởng bằng tiền mặt hàng trăm tỷ mỗi năm, các lãnh đạo doanh nghiệp đủ không ngoan để xin đại hội cổ đông phê duyệt chính sách phát hành cổ phiếu ESOP với thiệt hại hàng nghìn tỷ với các cổ đông mà vẫn được thông qua. Lý do đơn giản là có thể nhiều cổ đông chưa hiểu hết ảnh hưởng của chính sách này, rồi lại thêm lời giải thích từ ban lãnh đạo rằng chính sách phát hành ESOP sẽ gắn kết lợi ích của nhân viên với công ty.
Gắn kết lợi ích hay không thì chưa biết nhưng như VPBank thì CEO hưởng khoảng 50% cổ phần ESOP, MSN những lần gần đây cũng chỉ phát hành cổ phiếu ESOP cho vài chục người ban lãnh đạo mà thôi. Và với các CEO, chủ tịch hội đồng quản trị thì chính sách ESOP như một mũi tên trúng hai đích là mình vừa được thưởng mà lợi nhuận báo cáo cổ đông thì không hề bị suy giảm tí nào.
Lời khuyên gì cho nhà đầu tư cá nhân?
Hãy luôn mở to mắt và có mức chiết khấu, điều chỉnh hợp lý với lợi nhuận của các công ty phát hành ESOP liên tục. Chỉ như thế thì bạn mới đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và có một định giá phù hợp với thực tế. Với các doanh nghiệp có lịch sử chia ESOP, hãy kỳ vọng rằng tương lai họ cũng sẽ tiếp tục làm thế hoặc thậm chí chia nhiều cổ phần ESOP hơn nữa.!