Sàn HOSE, sàn HNX hay UPCOM là gì là những khái niệm cơ bản mà bất kỳ một nhà đầu tư nào mới gia nhập thị trường cũng cần phải tìm hiểu. Vậy sàn những sàn này là gì và có gì khác nhau. Hôm nay mời bạn cùng CophieuAZ tìm hiểu về chủ đề này nhé!
Sàn HOSE là gì?
HOSE là viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Ho Chi Minh Stock Exchange). Ở Việt Nam thì Sàn HOSE chính là Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Sàn HOSE ra đời Tháng 7 năm 2000 là thời điểm Việt Nam bắt đầu có thị trường chứng khoán. Hiện nay, HOSE, HNX và UPCOM đều hoạt động dưới sự chỉ đạo, quản lý và giám sát từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Phần lớn các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay được niêm yết trên sàn HOSE. Sàn HNX và UPCOM thì có ít doanh nghiệp hơn. Quy mô vốn hóa của sàn HOSE cũng là lớn nhất, giá trị khoảng 4,5 triệu tỷ tính tới Tháng 9/2022. Con số này lớn hơn rất nhiều quy mô vốn hóa của HNX tại cùng thời điểm là 297.000 tỷ và UPCOM là 1,1 triệu tỷ.
Hiện nay, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh được tổ chức là một công ty trách nhiệm hữu hạn với vốn điều lệ 1000 tỷ và 100% thuộc sở hữu của nhà nước. Là một đơn vị có chức năng đặc biệt và duy nhất trên thị trường nên sàn HOSE luôn có kết quả kinh doanh rất tích cực với mức lãi hàng trăm tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, vai trò của HOSE quan trọng hơn rất nhiều so với mục tiêu kinh doanh vì sàn HOSE có vai trò quan trọng trên thị trường vốn.
Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Sàn HOSE) hiện có địa chỉ tại Số 16 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại (84-28) 38 217 713, Fax: (84-28) 38 217 452
- Website: http://hsx.vn/
- Email: hotline@hsx.vn
Chức năng của sàn giao dịch HOSE là gì?
Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh có nhiều chức năng quan trọng trong việc điều tiết, quản lý thị trường vốn bao gồm:
- HOSE là nơi tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp. Trên HOSE, các nhà đầu tư sẽ thực hiện các giao dịch mua bán các sản phẩm tài chính chủ yếu là cổ phiếu, và chứng chỉ quỹ.
- HOSE có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu, và thực hiện niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mà các doanh nghiệp đăng ký niêm yết.
- Ngoài ra, HOSE là cơ quan tổ chức hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến. Khi tìm hiểu đầu tư chứng khoán bạn sẽ thấy có bảng giá chứng khoán HOSE.
Một số công ty niêm yết trên sàn HOSE
Phần lớn các doanh nghiệp lớn đều niêm yết trên sàn HOSE. Có thể kể đến những ngân hàng lớn nhất Việt Nam như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, VPBank. Rồi thì các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vinhome, VinGroup, Novaland…Và nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác như Hòa Phát, Sữa Vinamilk…đều niêm yết trên sàn HOSE.
Phần lớn nhà đầu tư chứng khoán đều khá quen thuộc với việc xem bảng giá và giao dịch mua bán chứng khoán trên sàn HOSE.
Thời gian giao dịch chứng khoán HOSE
Bảng giá chứng khoán của sàn HOSE được mở cửa và đóng cửa hàng ngày trong các ngày làm việc từ Thứ 2 – Thứ 6 trừ các ngày cuối tuần và nghỉ lễ theo quy định.
Hàng ngày, sàn HOSE mở cửa từ 9h sáng và đóng cửa vào 3h chiều. Nhân viên ở sàn HOSE thì vẫn làm việc bình thường sau 3h chiều cho đến khi hết giờ làm việc chứ không phải là sau 3h họ được về. Vì mặc dù bảng giá chứng khoán đóng của và tạm dừng giao dịch từ 3h chiều nhưng nhân viên làm việc ở HOSE vẫn phải làm nhiều công việc khác nữa.
Giờ khớp lệnh sàn chứng khoán HOSE
Dưới đây là thời gian chi tiết về khung giờ làm việc một ngày của bảng giá chứng khoán sàn HOSE.
- 9h-9h15: Mở cửa và khớp lệnh định kỳ
- 9h15-11h30: Khớp lệnh liên tục khớp lệnh thỏa thuận
- 11h30-13h: Nghỉ trưa
- 13h-14h30: Khớp lệnh liên tục và thỏa thuận
- 14h30-14h45: Khớp lệnh định kỳ đóng cửa và thỏa thuận
- 14h45-15h: Giao dịch thỏa thuận
Đối với trái phiếu:
- 9h-11h30: Giao dịch thỏa thuận
- 11h30-13h: Nghỉ trưa
- 13h-15h: Giao dịch thỏa thuận
Nguyên tắc làm việc và khớp lệnh trên Sàn HOSE là gì?
HOSE cung cấp ra thị trường một bảng giá chứng khoán kèm theo cơ chế khớp lệnh khi các lệnh mua/bán của nhà đầu tư được gửi vào thị trường. Về cơ bản, lệnh mua/ bán chứng khoán của nhà đầu tư không trực tiếp gửi cho HOSE mà bắt buộc phải được đặt lệnh thông qua các công ty chứng khoán. Hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán được liên kết vào hệ thống của HOSE. Nhờ đó mà lệnh được gửi vào HOSE. Hiện nay, sàn HOSE có khả năng xử lý khoảng 3 – 5 triệu lệnh một ngày.
Đây là thành quả đạt được sau khi tập đoàn FPT hỗ trợ HOSE nâng cấp hệ thống giao dịch khi HOSE liên tục bị nghẽn lệnh vào năm 2020. Trong tương lai, khi hệ thống KRX được triển khai thì năng lực xử lý của HOSE dự kiến sẽ được nâng lên nhiều nữa và sẽ có thêm nhiều sản phẩm phái sinh mới phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư.
Các phiên giao dịch trên HOSE
Trên sàn HOSE có ba phiên giao dịch:
- Khớp lệnh định kỳ: Diễn ra hai phiên trong ngày, mỗi phiên 15 phút. Phiên sáng là từ 9h-9h15 (phiên mở cửa) và phiên chiều là 2h30 – 2h45. Trong phiên này lệnh mua/bán của nhà đầu tư được gửi vào hệ thống và đến đúng giờ (9h15 và 14h45), hệ thống của HOSE sẽ tính toán ra mức giá và khối lượng khớp lệnh thành công trong phiên với ưu tiên sao cho khối lượng khớp lệnh đạt lớn nhất.
- Phiên giao dịch thỏa thuận: Giao dịch thỏa thuận diễn ra trong suốt cả phiên khi thị trường mở cửa. Lệnh mua/bán cổ phiếu thỏa thuận có thể được gửi vào hệ thống và khớp lệnh liên tục trong ngày khi có lệnh bán/mua thỏa thuận đối ứng thỏa mãn điều kiện.
- Khớp lệnh liên tục: Phiên này các lệnh mua/bán chứng khoán được gửi vào hệ thống và được khớp liên tục nếu có bên mua/bán đối ứng.
Nguyên tắc khớp lệnh tại sàn HoSE
Có hai nguyên tắc khớp lệnh tại sàn Hose mà nhà đầu tư cần biết về thứ tự ưu tiên của mức giá và thời gian:
- Ưu tiên về giá: Lệnh mua được ưu tiên khớp lệnh trước nếu mức giá mua cao hơn. Lệnh bán có mức giá thấp hơn sẽ được ưu tiên khớp lệnh trước. Lệnh ATO và ATC là những lệnh luôn được ưu tiên trong phiên mở cửa và đóng cửa vì người đặt lệnh chấp nhận khớp ở bất cứ giá nào trong khoảng giá giữa giá trần và sàn của cổ phiếu tương ứng trong phiên hôm đó.
- Ưu tiên về thời gian: Trong cùng một thời gian và mức giá, lệnh nào được nhập vào hệ thống trước thì sẽ được ưu tiên khớp trước.
Các loại lệnh trên sàn HOSE là gì?
Trên sàn HOSE có một số loại lệnh chứng khoán khác nhau. Phần này giới thiệu về các loại lệnh chứng khoán để bạn tham khảo.
Lệnh ATO
Lệnh này chỉ có thể đặt ở phiên thị trường mở cửa (9h-9h15). Lệnh ATO ưu tiên khớp giá ở bất kỳ mức giá nào nếu có bên mua/bán đối ứng với lệnh bán/mua ATO. Lệnh ATO được ưu tiên trước tất cả các lệnh khác và được khớp theo ưu tiên thời gian. Lệnh ATO gửi trước sẽ được khớp trước. Sau phiên mở cửa, các lệnh ATO sẽ bị hủy.
Lệnh ATC
Lệnh ATC có nguyên tắc khớp y hệt với lệnh ATO nhưng chỉ có thể đặt lệnh ATC ở phiên khớp lệnh định ký đóng cửa thị trường từ 14h30 – 14h45. Hết phiên các lệnh ATO không khớp cũng bị hủy.
Lệnh giới hạn LO
Đây là loại lệnh chứng khoán phổ biến nhất mà nhà đầu tư thường đăt. Lệnh mua bán LO là lệnh mà nhà đầu tư đặt mua/bán chứng khoán ở một mức giá xác định trước. Lệnh sẽ được khớp đúng mức giá hoặc có thể ở mức giá tốt hơn (cao hơn giá bạn đặt bán/thấp hơn giá bạn đặt mua) trong phiên khớp lệnh định kỳ.
Lệnh thị trường MP
Lệnh này ưu tiên khớp hết khối lượng bạn đặt mua/bán mà không quan tâm mức giá. Để khớp hết khối lượng bạn mua/bán, lệnh MP cho phép khớp ở nhiều mức giá khác nhau miễn sao đạt được khối lượng khớp là lớn nhất.thấp nhất. Chỉ khi nào trên thị trường có giá cao nhất hoặc thấp nhất thì mới áp dụng lệnh này. Dùng lệnh này phải cẩn thận không thì bạn sẽ tốn khá nhiều tiền đấy.
Hủy lệnh giao dịch
Hiện nay hệ thống sàn HOSE không cho phép sửa lệnh như HNX, UPCOM. Lệnh mua/bán chứng khoán trên HOSE chỉ có thể hủy và đặt lại lệnh mới theo nhu cầu của nhà đầu tư. Việc hủy lệnh là phải hủy toàn bộ chứ không được hủy một phần.
Tuy nhiên, tất cả các lệnh đặt trong phiên mở cửa và phiên đóng cửa đều không được phép hủy trong phiên đó.
Thời gian thanh toán tiền và chứng khoán ở HOSE
Hiện nay, HOSE đang áp dụng chính sách T+2. Tức là sau 2 ngày kể từ ngày lệnh được khớp, nhà đầu tư chứng khoán mua/bán sẽ nhận được chứng khoán/tiền vào buổi chiều ngày T+2. Ngày lệnh được khớp là ngày T+0
Làm sao để giao dịch mua/bán cổ phiếu
Bạn không thể mở tài khoản trực tiếp tại HOSE mà cần đăng ký mở tài khoản ở các công ty chứng khoán. Bạn có thể tham khảo bài viết Nên mở tài khoản ở công ty chứng khoán nào để có thêm thông tin đưa ra quyết định lựa chọn.
Thủ tục mở tài khoản chứng khoán hiện nay khá đơn giản. Rất nhiều công ty chứng khoán là thành viên của HOSE đã hỗ trợ mở tài khoản chứng khoán online và xác thực trực tuyến thông qua eKYC. Nghĩa là bạn không cần ra khỏi nhà vẫn có thể mở tài khoản chứng khoán dễ dàng.