Một bài viết để giúp bạn tìm hiểu về thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ khiến bạn bị ngập lụt trong các thông tin. Chính vì vậy, ở nội dung bài viết này mình sẽ bắt đầu với những vấn đề cơ bản nhất là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu. Còn các vấn đề cụ thể và chi tiết hơn thì bạn hãy đọc thêm các bài viết khác cùng về chủ đề thị trường chứng khoán mà mình đã đăng tải nhé.
Những vấn đề cần tìm hiểu về chứng khoán
Khi có một khoản tiền dành dụm được, có người chọn gửi tiết kiệm, có người chọn mua vàng, còn có người chọn đầu tư chứng khoán…Nếu bạn đang cân nhắc việc đầu tư chứng khoán thì mình tin rằng đó là một lựa chọn tuyệt vời. Nhìn lại thị trường chứng khoán từ năm 2000 tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng 8,5 lần trong vòng 20 năm từ mức 100 điểm lên 850 điểm (chưa tính cổ tức).
Một nhà đầu tư thông thường, không cần am hiểu gì về tài chính hay đầu tư nếu thông qua việc sở hữu một quỹ ETF và không cần tìm hiểu gì thêm về chứng khoán thì từ năm 2000 tới nay đã có thể đạt mức sinh lời khoảng 11%/năm. Đây là mức sinh lời tốt hơn rất nhiều so với tiết kiệm (trung bình khoảng 6-7% trong khoảng thời gian 20 năm qua), và vàng (7-8%/năm) nếu bạn bán đúng đỉnh sốt giá năm 2020.
Còn với những nhà đầu tư biết cách đầu tư và đầu tư vào những cổ phiếu VNM, VCS, VIC, VCB, MWG…trong vòng 5-10 năm qua thì chắc chắn là đã đạt mức sinh lời vượt trội so với thị trường chung và có những nhà đầu tư lãi tới vài chục lần (hay hơn nữa) trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động mua bán trao đổi các chứng khoán hay các công cụ tài chính. Phổ biến nhất là công cụ vốn cổ phần (cổ phiếu) và công cụ nợ (trái phiếu). Ở Việt Nam, có thị trường chứng khoán tập trung là HOSE (sàn chứng khoán TP HCM), sàn HNX (sàn chứng khoán Hà Nội), sàn Upcom (sàn cổ phiếu chưa niên yết nhưng đã lưu ký ở trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam VSD) và thị trường OTC (giao dịch cổ phiếu, trái phiếu) của các doanh nghiệp chưa lưu ký cổ phần, trái phiếu với VSD (xem thêm VSD là gì).
Cổ phiếu niêm yết là gì?
Hiện tại trên HOSE, HNX và Upcom có cổ phiếu của khoảng 1.600 doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp này đã lưu ký cổ phần tại VSD và khi bạn mua bán cổ phiếu của những doanh nghiệp này, quyền sở hữu sẽ được cập nhật thay đổi trên dữ liệu của VSD và bạn được pháp luật bảo vệ. Khi mua cổ phần, bạn sở hữu một góc rất nhỏ của doanh nghiệp mà mình đã mua. Ví dụ với cổ phiếu Vietcombank chẳng hạn, ngân hàng Vietcombank có tất cả khoảng 3,7 tỷ cổ phiếu đang niêm yết.
Với mức giá đóng cửa phiên gần nhất, bạn có thể bỏ ra 82.000đ để mua 1 cổ phần của Vietcombank trong tổng số 3,7 tỷ cổ phần. Với tổng khoảng 3,7 tỷ cổ phần/ cổ phiếu niêm yết và mỗi cổ phiếu giá 82.000đ, Vietcombank đang được định giá ở mức vốn hóa khoảng 304.127 tỷ VNĐ (Ba trăm lẻ bốn nghìn tỷ). Nghĩa là nếu bạn có khoảng 304.000 tỷ thì có thể mua được cả ngân hàng Vietcombank theo mức thị giá 82.000đ/ cổ phần.
Thị giá khác với giá trị sổ sách: Thị giá của cổ phiếu Vietcombank là 82.000đ, trong khi đó giá trị sổ sách (theo cafef tính) chỉ là khoảng 24.130đ. Thị giá là giá khớp lệnh (có người mua và có người bán) ở mức giá đó trên thị trường chứng khoán. Còn giá trị sổ sách được tính dựa trên tổng tài sản của doanh nghiệp chia cho tổng số cổ phần. Ví dụ một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu là 100 tỷ và có 10 triệu cổ phiếu niêm yết thì giá trị sổ sách là 10.000đ/cổ phiếu.
Giá trị sổ sách khác mệnh giá: Mệnh giá mỗi cổ phiếu thông thường là 10.000đ. Ban đầu khi doanh nghiệp mới thành lập, giá trị này phản ánh số vốn các cổ đông thực góp. Ví dụ doanh nghiệp có vốn góp là 200 tỷ sẽ tương ứng có 20 triệu cổ phần mệnh giá 10.000đ/cổ phần. Trong những năm sau đó, mệnh giá này không phản ánh việc doanh nghiệp làm ăn có lãi, lỗ tích lũy các khoản lãi/ lỗ qua các năm. Vì thế những năm sau, người ta thường quan tâm tới giá trị sổ sách của mỗi cổ phần hơn là mệnh giá. Giá trị sổ sách mỗi cổ phần đã phán ảnh lãi/ lỗ lũy kế của doanh nghiệp tới thời điểm tính toán lên giá trị của mỗi cổ phần.
Khi sở hữu một góc nhỏ của doanh nghiệp, bạn có quyền cổ đông tương tự như các cổ đông lớn khác khi doanh nghiệp chia lợi nhuận. Khoản lợi nhuận doanh nghiệp làm ăn có lãi có thể chia hàng năm được gọi là cổ tức, có thể dưới dạng cổ phiếu thưởng hoặc tiền mặt.
Thị trường trái phiếu
Ngoài công cụ vốn (cổ phiếu), trên thị trường chứng khoán còn giao dịch các công cụ nợ mà phổ biến nhất là các loại trái phiếu. Tùy theo tổ chức phát hành mà có các loại trái phiếu như trái phiếu chính phủ, trái phiếu của ngân hàng và các tổ chức tài chính và trái phiếu doanh nghiệp (phổ biến là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong những năm gần đây).
Trái phiếu chính phủ và trái phiếu ngân hàng hay các tổ thức tài chính thường được giao dịch mua bán với lô lớn cho các nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân thường ít quan tâm tới các loại trái phiếu này. Ngược lại thì trái phiếu doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản) trong mấy năm gần đây được rất nhiều tổ chức như các ngân hàng, công ty chứng khoán rao bán cho các nhà đầu tư cá nhân các lô trái phiếu từ vài chục tới vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, là nhà đầu tư cá nhân bạn cần thận trọng với thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Là người dành nhiều thời gian tìm hiểu các loại trái phiếu này mình đánh giá là rất nhiều trái phiếu vô cùng rủi ro với nhà đầu tư cá nhân. Và mình thấy nhiều cổ phiếu trên thị trường còn an toàn hơn nhiều loại trái phiếu bất động sản đang được rao bán.
Phần lớn các trái phiếu trên thị trường là trái phiếu không niêm yết. Một lượng lớn trái phiếu có thể được lưu ký tại VSD, trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Tìm hiểu về đầu tư chứng khoán
Phần lớn các nhà đầu tư khi nói về đầu tư chứng khoán chính là việc đầu tư mua cổ phiếu hoặc trái phiếu. Với khoảng 1.600 cổ phiếu được giao dịch trên HOSE, HNX và Upcom thì có thể nói thị trường cổ phiếu rất đa dạng về loại hình, quy mô doanh nghiệp niêm yết. Có những doanh nghiệp rất tuyệt vời như ngân hàng Vietcombank, Vinamilk, Thế giới di động, Bất động sản Vinhome…
Đầu tư cổ phiếu là việc bạn bỏ tiền ra để mua cổ phiếu với kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ sinh lời trong tương lai. Việc đầu tư cổ phiếu sinh có thể sinh lời ở hai cách:
– Cổ phiếu tăng giá sau khi bạn mua: Nếu bạn bán thì bạn sẽ có một khoản lợi nhuận
– Công ty bạn mua cổ phần làm ăn có lãi và chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Trường hợp này cổ tức giống như là lãi suất trên trái phiếu vậy, tuy nhiên cổ tức nó không cố định và sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Nếu công ty làm ăn có lãi thì cổ phiếu có thể tăng giá và bạn cũng có thể nhận cả cổ tức nữa.
Tuy nhiên, cũng có những công ty làm ăn có lãi tốt và tăng trưởng lợi nhuận nhưng cổ phiếu không tăng giá. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mức giá bạn trả ra để mua cổ phiếu đã quá cao rồi, vượt hơn cả giá trị thực (giá trị nội tại) của cổ phiếu đó.
Ví dụ như khi tìm hiểu thị trường chứng khoán với cổ phiếu VNM thì 3 năm gần đây gần như không tăng, thậm chí là có xu hướng giảm vì có thời điểm (năm 2017), giá cổ phiếu VNM đã quá cao so với giá trị nội tại. Nên dù doanh nghiệp làm ăn có lãi và rất hiệu quả nhưng giá cổ phiếu không tăng.
Chính vì vậy, việc đầu tư cổ phiếu bạn cần chú ý hai điểm cực kỳ quan trọng. Thứ nhất là chọn được doanh nghiệp đủ tốt. Thứ hai là mức giá bạn trả ra để mua cổ phiếu phải là một mức giá hợp lý. Phần lớn các nhà đầu tư làm rất tốt ở điều đầu tiên là lựa chọn được doanh nghiệp đủ tốt nhưng thường là không làm tốt ở vế thứ hai tức là giá bao nhiêu thì là hợp lý? Những nhà đầu tư thường xuyên mua/ bán hay đầu tư các cổ phiếu trong rổ VN30 thường khó có thể mua được ở mức giá hợp lý vì các cổ phiếu trong rổ này thường nhận được quá nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và do đó giá thường bị đẩy lên quá cao so với giá trị nội tại.
Giá trị nội tại, giá trị thực của doanh nghiệp là gì? Đây là mức giá mà nhà đầu tư đánh giá giá trị của một doanh nghiệp. Phương pháp được công nhận rộng rãi là chiết khấu dòng tiền thuần (tương lai) của doanh nghiệp về hiện tại. Dĩ nhiên, dòng tiền tương lai là một ước tính nên mỗi người sẽ đánh giá doanh nghiệp ở một mức giá trị thực/ giá trị nội tại khác nhau.
Bao nhiêu tiền thì có thể đầu tư cổ phiếu? Bạn có thể bắt đầu từ khi có khoảng vài triệu đồng. Mỗi lô chứng khoán (cổ phiếu) được bán theo lô 10 hoặc 100 tùy theo cổ phiếu đó giao dịch trên HOSE, HNX hay Upcom. Để đầu tư cổ phiếu thì bạn cần mở tài khoản chứng khoán để nộp tiền vào và giao dịch. Việc mở tài khoản chứng khoán là hoàn toàn miễn phí.
Đầu tư trái phiếu: Đầu tư trái phiếu thì dễ hiểu hơn đầu tư cổ phiếu vì hợp đồng mua bán trái phiếu lúc nào cũng đã quy định sẵn lãi là bao nhiêu % rồi. Vì vậy khi đầu tư trái phiếu bạn sẽ biết luôn mức lãi hàng năm của mình và thời điểm đáo hạn của trái phiếu. Khác với gửi ngân hàng, lãi từ đầu tư trái phiếu sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (với nhà đầu tư cá nhân).
Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam 2020
Trước khi nói về quy mô của thị trường chứng khoán thì mình nói qua một chút về tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Hàng tháng, ngân hàng nhà nước đều có báo cáo về tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế và tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Đến Tháng 5/2020, tổng tiền gửi tại ngân hàng của dân cư và các tổ chức kinh tế là khoảng 8,9 triệu tỷ VNĐ. GDP Việt Nam năm 2019 là khoảng 261 tỷ USD (khoảng gần 6 triệu tỷ đồng).
Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam
Tính đến thời điểm 30/6/2020 khi VNIndex chốt phiên ở mức 830 điểm thì quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 5,1 triệu tỷ. Trong đó vốn hóa các doanh nghiệp trên sàn HOSE đạt 2,9 triệu tỷ, HNX đạt 0,2 triệu tỷ, Upcom đạt 0.8 triệu tỷ và thị trường trái phiếu tổng giá trị khoảng 1,2 triệu tỷ VNĐ.
Ở mức vốn hóa thời điểm 30/6, vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam (cả cổ phiếu và trái phiếu) bằng khoảng 85% GDP của cả nền kinh tế. Như vậy bạn có thể thấy là quy mô thị trường chứng khoán là vô cùng to lớn. Lượng tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 5,1 triệu tỷ tương đương khoảng gần 60% tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Hy vọng là các nội dung ở đây giải đáp phần nào những thắc mắc khi bạn tìm hiểu về thị trường chứng khoán như là một nhà đầu tư mới. Hãy đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để nhận thêm các nội dung hữu ích trong tương lai nhé.