Tháng 11/2022, các nhà đầu tư quỹ trái phiếu TCBF chứng kiến sự sụt giảm mạnh giá trị mỗi chứng chỉ quỹ. Chỉ trong vòng có vài ngày, giá trị mỗi chứng chỉ quỹ (CCQ) TCBF sụt giảm ~23%. Nhiều nhà đầu tư quỹ trái phiếu TCBF lỗ nặng và bị sốc trước sự việc này. Vậy điều gì đã xảy ra khiến CCQ trái phiếu TCBF sụt giảm mạnh, trong khi nhiều chứng chỉ quỹ trái phiếu khác không hệ bị mất giá nhiều như vậy? Mời bạn đọc chi tiết dưới đây.
Tại sao quỹ trái phiếu TCBF lỗ nặng?
Quỹ trái phiếu TCBF được thành lập từ năm 2015. Và năm nay là lần đầu tiên quỹ này chứng kiến giá trị mỗi CCQ sụt giảm mạnh. Trong quá khứ, sự việc tương tự như thế này chưa từng xảy ra. Chính vì vậy nên trước đây nhiều nhân viên của Techcombank tự tin tư vấn cho khách hàng chuyển sang đầu tư chứng chỉ quỹ với lời thuyết phục rằng đầu tư chứng chỉ quỹ trái phiếu sẽ không thể thua lỗ được.
Nhưng đó là một sự sai lầm trong hiểu biết của nhiều nhân viên tư vấn khách hàng đầu tư vào quỹ trái phiếu. Để hiểu lý do tại sao quỹ trái phiếu TCBF lỗ nặng đến vậy, chúng ta cần hiểu mô hình hoạt động của các quỹ đầu tư trái phiếu.
Mô hình hoạt động của quỹ đầu tư trái phiếu
Mô hình hoạt động của một quỹ đầu tư trái phiếu thông thường là những quỹ mở. Quỹ mở là loại quỹ mà nhà đầu tư có thể tự do góp thêm/ rút vốn theo nhu cầu đầu tư của mình. Công ty quản lý quỹ là đơn vị đứng ra quản lý tiền của các nhà đầu tư góp vào quỹ đầu tư trái phiếu.
Ví dụ với quỹ trái phiếu TCBF, hiện nay TCBF có hàng chục nghìn nhà đầu tư cùng nhau góp vốn vào quỹ TCBF thông qua việc mua chứng chỉ quỹ. Mỗi chứng chỉ quỹ là đại diện cho một phần nhỏ sở hữu của nhà đầu tư đối với giá trị tài sản của quỹ. Ví dụ tại thời điểm mình viết bài viết này, quỹ trái phiếu TCBF có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) là 9.327 tỷ VNĐ. Với số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành là hơn 700 triệu chứng chỉ quỹ, giá trị mỗi chứng chỉ quỹ là 13.314đ.
Công ty quản lý quỹ ở đây là Techcom Capital (Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương), sẽ quản lý tài sản của quỹ và đầu tư tài sản của quỹ vào các loại trái phiếu nhằm mục đích sinh lợi cho nhà đầu tư. Danh mục trái phiếu mà TCBF đang nắm giữ như sau:
Như vậy bạn có thể thấy là khi nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ thì bản chất có thể hiểu là bạn gửi tiền vào quỹ và công ty quản lý quỹ sẽ phân bổ tiền của bạn để đầu tư vào trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khác nhau. Lợi ích mà nhà đầu tư đạt được là sự đa dạng hóa danh mục trái phiếu. Việc này giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro khi mua trái phiếu của một doanh nghiệp duy nhất như trường hợp nhiều nhà đầu tư mua phải trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Quang Thuận, trái phiếu Sunshine, trái phiếu Egroup, Egame, Apax Leader…
Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ là một tổ chức chuyên nghiệp có khả năng sàng lọc, đánh giá rủi ro trái phiếu tốt hơn những nhà đầu tư cá nhân không có kiến thức, kinh nghiệm để tự mình đầu tư trái phiếu.
Tại sao giá chứng chỉ quỹ TCBF giảm mạnh?
Theo dữ liệu NAV cập nhật của quỹ trái phiếu TCBF thì giá trị mỗi chứng chỉ quỹ trái phiếu TCBF giảm mạnh vào Tháng 11/2022 và đến bây giờ vẫn chưa phục hồi. Việc giá trị chứng chỉ quỹ TCBF giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ. Vậy lý do tại sao giá chứng chỉ quỹ TCBF giảm mạnh?
Như các bạn đã biết, trong thời gian vừa qua thị trường trái phiếu ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp sai phạm trong việc phát hành, sử dụng tiền huy động đầu tư trái phiếu. Những cái tên điển hình là Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bây giờ mất ăn mất ngủ vì không biết bao giờ mới có thể lấy lại đồng tiền mồ hôi, xương máu dành dụm bao nhiều năm của mình.
Đặc biệt là có rất nhiều người cao tuổi, nghe tư vấn của nhân viên ngân hàng về các gói “tiết kiệm linh hoạt” mà bản chất chính là đầu tư trái phiếu. Họ đánh tráo khái niệm, lừa khách hàng mua trái phiếu mà không tư vấn cho khách hàng về những rủi ro của hình thức đầu tư này.
Thị trường trái phiếu thực sự đã rơi vào trạng thái hỗn loạn. Nhà đầu tư tìm mọi cách để mong rút tiền sớm, chấp nhận mất lãi…Và làn sóng này lan đến cả những nhà đầu tư trái phiếu vào chứng chỉ quỹ TCBF. Đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư biết rằng, danh mục trái phiếu của quỹ TCBF có nắm một lượng đáng kể trái phiếu của Novaland, là tập đoàn bất động sản có vay nợ rất lớn và đang gặp rủi ro, khó khăn về thanh khoản. Trái phiếu của Novaland thời gian qua bị bán tháo trên thị trường với nhiều trái phiếu có mức chiết khấu 20 – 30% so với mệnh giá.
Quá nhiều nhà đầu tư lo lắng và tìm cách rút vốn khỏi quỹ trái phiếu TCBF dẫn tới một làn sóng bán tháo chứng chỉ quỹ TCBF. Quá nhiều nhà đầu tư yêu cầu rút vốn, trong khi tài sản của quỹ TCBF chỉ có khoảng 10% là tiền mặt. Vì vậy dẫn tới tình trạng công ty quản lý quỹ là Techcom Capital phải mang trái phiếu ra bán trên thị trường thứ cấp vì trái phiếu quỹ nắm giữ chưa tới ngày đáo hạn.
Quỹ phải bán trái phiếu để có tiền trả cho các nhà đầu tư muốn rút vốn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đang ở giai đoạn khủng hoảng niềm tin nên việc bán trái phiếu ra thị trường không dễ chút nào. Đó là lý do TCBF phải giảm giá, bán trái phiếu ra thị trường thấp hơn giá trị thật của trái phiếu từ 15 – 20%. Và khi bán trái phiếu cắt lỗ, thì giá trị mỗi chứng chỉ quỹ phải được đánh giá lại theo giá trị thị trường của trái phiếu đang được giao dịch nên giá trị mỗi chứng chỉ quỹ TCBF đã giảm mạnh.
Vì trái phiếu được giao dịch trên thị trường thấp hơn mệnh giá nên nhiều trái phiếu trong danh mục nắm giữ của quỹ TCBF phải được đạnh giá lại theo giá thị trường nên giá mỗi CCQ TCBF giảm mạnh. Đó là lý do nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu TCBF lỗ nặng.
Có nên bán chứng chỉ quỹ TCBF?
Nhà đầu tư chứng chỉ quỹ TCBF nên làm gì? Có nên bán CCQ TCBF để cắt lỗ hay không? Thực tế thì thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư chấp nhận lỗ và tiến hành cắt lỗ, bán lại CCQ TCBF cho Techcom Capital. Những khoản thua lỗ này thực sự là rất đau thương nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chấp nhận để bảo toàn phần vốn còn lại.
Một số nhà đầu tư khác thì thấy khoản lỗ hiện tại khá lớn và không muốn cắt lỗ. Nhiều người kỳ vọng là giá trị các CCQ sẽ sớm phục hồi.
Thực tế thì khả năng phục hồi giá trị mỗi CCQ phụ thuộc rất lớn vào những diễn biến trên thị trường trái phiếu. Nếu thời gian tới các giải pháp chính phủ đưa ra phát huy tác dụng, nhà đầu tư lấy lại được niềm tin với kênh đầu tư trái phiếu thì có thể giá trị mỗi CCQ TCBF sẽ phục hồi trở lại.
Ngược lại, nếu các giải pháp của chính phủ không phát huy tác dụng, không giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào thị trường trái phiếu thì giá trị mỗi CCQ TCBF có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp. Việc dự đoán khi nào thị trường trái phiếu ổn định trở lại là rất khó.
Các nhà đầu tư cần cân nhắc cụ thể nhu cầu của mình, tự mình đánh giá rủi ro xem mình nên tiếp tục nắm giữ hay nên cắt lỗ khoản đầu tư của mình vào quỹ TCBF. Trong kịch bản tích cực, nếu các doanh nghiệp phát hành mà quỹ TCBF đang nắm giữ trái phiếu không gặp những khó khăn về dòng tiền và hoạt động kinh doanh thì nhiều khả năng không sớm thì muộn giá trị mỗi CCQ TCBF sẽ có khả năng phục hồi về mức định giá hợp lý cao hơn mức giá hiện tại.